Hành lang Quốc hội: Đại biểu ủng hộ bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

(VOH) - Bộ Nội vụ tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn bỏ quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ tin học, hoàn thành trước ngày 31/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với công chức, viên chức, việc sớm bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là cần thiết.

hanh-lang-quoc-hoi-dai-bieu-ung-ho-bo-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-voh.com.vn-anh1
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). (Ảnh: VOV)

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Theo đó, "không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học", thay vào đó, các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến: "Việc hủy bỏ chứng chỉ là cần thiết. Cá nhân tôi rất ủng hộ vì thời gian qua chứng chỉ này chỉ phù hợp trong lĩnh vực chuyên môn. Nhưng đối với công chức, viên chức, giáo viên, ví dụ nếu có chứng chỉ bằng B, nếu không thường xuyên sử dụng thì có cần thiết không? Rất tốn kém. Trong khi đó học, thực tế học chất lượng cũng không cao".

Còn đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc trang bị kiến thức về ngoại ngữ, tin học là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quy định là yêu cầu bắt buộc: "Đối với người cán bộ có ý chí, động lực phát triển thì người ta cũng tự nhận thức và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng đó trước khi được giới thiệu hay quy hoạch.

Còn một cán bộ công chức chân chính khi thiếu kiến thức, yêu cầu đó, khi chưa đủ điều kiện tôi nghĩ người ta có nhu cầu cần có ngay chứng chỉ, bằng cấp đó. Nếu mình nhận thức ra vấn đề đó thì họ sẽ thiếu thì tự đào tạo và tìm cơ hội khác phát triển".

Các đại biểu cũng cho rằng, nếu yêu cầu tất cả công chức, viên chức bình thường phải có những chứng chỉ trên sẽ tạo khe hở để các trung tâm đào tạo trục lợi, mua, bán bằng giả.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nhấn mạnh việc giả kiến thức vô cùng nguy hiểm. Thậm chí có kiến thức nhưng không áp dụng được thì cũng là bằng giả: "Bằng giả đó là sự “dối đảng, lừa dân” của cán bộ, phản ánh sai bản chất thật của trình độ học vấn. Nhưng quan trọng giả kiến thức mới là quan trọng. Có người bằng thật nhưng kiến thức giả mới là quan trọng. Cho nên tôi nghĩ phải phân tích, đánh giá, quy định chi tiết tình trạng bằng giả hiện nay”.