Hành trình đi tới hợp tác phát triển toàn diện

Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức thăm Hoa Kỳ mùa hè 2015 vào thời điểm hết sức có ý nghĩa: 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc và 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một cột mốc mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước và hai dân tộc.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và Thị trưởng TP. San Francisco Gavin Newsom ký MoU giai đoạn 2005-2007, tháng 6/2005.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì quyền con người, vì hạnh phúc của Nhân dân. Với lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu, nhân văn, luôn trân trọng giá trị của nhân quyền, quyền dân tộc tự quyết và đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, Việt Nam đã luôn thể hiện thiện chí với chủ trương “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai” trong quan hệ với các nước đã từng gây chiến với Việt Nam.

Cách đây gần 70 năm, vào ngày 16/2/1946, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cùng xây dựng mối quan hệ “hợp tác toàn diện”. Năm 1995, trong Tuyên bố của Việt Nam về việc Tổng thống Bill Clinton quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Từ lâu Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương Hoa Kỳ và Việt Nam cần hướng về tương lai, xây dựng mối quan hệ bình thường giữa hai nước”. Ngày nay, ý nguyện về quan hệ “hợp tác toàn diện” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “quan hệ bình thường” giữa hai nước của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành hiện thực, ngày càng được hoàn thiện và phát triển, thông qua việc xác lập “Quan hệ Đối tác Toàn diện” giữa hai nước vào tháng 7/2013 nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trong suốt quá trình bình thường hóa quan hệ đòi hỏi nhiều nỗ lực, đồng thuận và nhất là tầm nhìn chung giữa hai bên, TP. Hồ Chí Minh vinh dự được góp phần đặt những viên gạch đầu tiên thúc đẩy tiến trình bình thường hóa cũng như nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thành “Đối tác Toàn diện” ngày nay.  

Về mặt lịch sử, TP. Hồ Chí Minh được xem là một “địa bàn nhạy cảm” trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đây là nơi sụp đổ của chế độ “Việt Nam Cộng hòa” được Chính phủ Hoa Kỳ khi ấy ủng hộ, là nơi chứng kiến sự di tản của làn sóng “thuyền nhân Việt Nam”. Vậy mà, chính nơi đây cũng là nơi đã “ươm mầm” và đang tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác giữa hai nước trong một thời gian dài, ngay cả từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào tháng 7/1995. Đó là việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 3/1994, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh  cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Trước đó, chính quyền thành phố đã luôn thể hiện thiện chí hợp tác với Hoa Kỳ trong nỗ lực có được cơ chế, chính sách hỗ trợ, và tạo điều kiện để AmCham hoạt động hiệu quả. Cũng trong năm 1994, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh (FETP) ra đời. Đây là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ngay từ khi được thành lập, FETP đã nhận được sự hỗ trợ tích cực, đóng góp về tài chính, vật chất và tinh thần từ phía chính quyền và các ban, ngành hữu quan của TP. Hồ Chí Minh.

Một bước ngoặt trong quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ là việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. San Francisco, Bang California. Đây có lẽ là chương trình hợp tác nhiều thách thức nhất, bởi vì đây là sự hợp tác cấp chính quyền đầu tiên giữa địa phương hai nước; sự nghi kỵ, mặc cảm, chống đối của một số thế lực do lịch sử để lại. Qua gần hai năm kiên trì trao đổi giữa UBND TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Thị trưởng TP. San Francisco, Thỏa thuận về Quan hệ Hữu nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. San Francisco đã được ký kết giữa Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) và Thị trưởng San Francisco Frank Jordan vào ngày 10/4/1995 tại TP. Hồ Chí Minh. Thành quả ngày hôm nay minh chứng cho tầm nhìn và những nỗ lực không mệt mỏi từ cả hai phía khi cùng nhau vượt qua quá khứ để vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Có cơ sở để khẳng định rằng, hiện nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam và của TP. Hồ Chí Minh. Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt xấp xỉ 35 tỷ USD, lần lượt gấp 159 lần so với năm 1994 và 23 lần so với năm 2001 khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 28,5 tỷ USD trong năm 2014. Sau gần 20 năm, tính đến ngày 20/3/2015, Hoa Kỳ có 735 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD; xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.  

Năm 2014, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 15,1% giá trị xuất khẩu của thành phố và hơn 15% giá trị xuất khẩu của cả nước vào thị trường Hoa Kỳ. Đến nay, có 303 dự án đầu tư của Hoa Kỳ trên địa bàn thành phố với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 544 triệu USD, chiếm gần 5% của cả nước. Nếu tính đầu tư của Hoa Kỳ thông qua nước thứ ba, như dự án đầu tư của Tập đoàn Intel, Coca-Cola, thì con số này còn lớn hơn rất nhiều lần. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong bối cảnh toàn cầu hóa.

FETP, sau 20 năm “Kết nối tri thức” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đang thực hiện những bước thủ tục cuối cùng để tiến tới nâng cấp thành Đại học Fulbright Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (FUV). Đây là dự án mang đậm dấu ấn hợp tác trong lãnh vực giáo dục giữa Chính phủ hai nước, thể hiện qua việc FUV được trao giấy phép đầu tư tại Khu Công nghệ Cao TP. Hồ Chí Minh dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này. Đây cũng là thành quả từ tâm huyết của những người bạn và đối tác của Việt Nam trong nhiều năm như Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, Thượng Nghị sĩ John McCain, Giám đốc Chương trình Fulbright Việt Nam tại Đại học Harvard Thomas Vallely.

Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. San Francisco tiếp tục khẳng định sức sống mạnh mẽ và hứa hẹn tiềm năng hợp tác mới trong thời gian tới. Bản Ghi nhớ về các dự án giữa TP. Hồ Chí Minh và San Francisco giai đoạn 2005 - 2007 đã được hai bên ký kết nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư San Francisco (SFTIPC) vừa được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014 với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. San Francisco nói riêng và Vùng Vịnh San Francisco nói chung. Hai bên tiếp tục thể hiện cam kết thúc đẩy quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu thông qua việc tới đây sẽ ký kết Kế hoạch Hợp tác giai đoạn 2015-2020. Thông qua quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. San Francisco, nhiều doanh nhân kiều bào đã đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời giúp quảng bá và chuyển tải trung thực khách quan hình ảnh mới về TP. Hồ Chí Minh, về Việt Nam đến cộng đồng người Việt tại TP. San Francisco và Bang California.    

Các thành quả hợp tác trên là minh chứng sinh động cho việc TP. Hồ Chí Minh và các đối tác của Hoa Kỳ đã cùng nhau góp phần không ngừng củng cố và định hình cho tương lai tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện nay, những cơ hội hợp tác chưa từng có đang mở ra giữa hai nước trên cơ sở sự trùng hợp về lợi ích kinh tế và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và trong một thế giới đầy biến động. Việc TPP sẽ được ký kết trong tương lai gần và việc chính thức hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 là những bước phát triển có ý nghĩa to lớn, góp phần tăng cường sức năng động của mỗi nền kinh tế thông qua sự liên kết kinh tế của Đông Nam Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn.

Bên cạnh những vận hội đang mở ra trong quan hệ song phương, chặng đường phía trước tiếp tục đòi hỏi hai bên cần củng cố lòng tin trong tiến trình mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện và thu hẹp các khác biệt một cách xây dựng vì lợi ích của cả hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Về phần mình, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động cùng các đối tác Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trên các lãnh vực, góp phần mở ra một chương mới trong “Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước với phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.