Hiểm họa cháy xăng dầu

(VOH) - Cháy xăng dầu là loại cháy nguy hiểm nhất. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ cháy tại các cửa hàng xăng dầu. Hầu hết các trường hợp đều do không đảm bảo khoảng cách an toàn từ cây xăng đến khu vực xung quanh, nên khi gặp sự cố rò rỉ, xăng dầu dễ dàng tiếp xúc với các nguồn lửa, nguồn nhiệt từ bên ngoài và gây cháy. Hiện nay, thành phố chưa xử lý dứt điểm đối với các cửa hàng xăng dầu có những vi phạm nghiêm trọng về PCCC, nên hiểm họa cháy luôn tiềm ẩn. Và như vậy, nỗi lo của người dân sinh sống trong khu vực có các cửa hàng xăng dầu này lại nhân lên bội phần khi thành phố đang bắt đầu vào mùa khô.

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với 35% là cửa hàng có diện tích nhỏ, dưới 500m2, chủ yếu nằm trong các khu dân cư ở khu vực nội thành. Nơi đây, một sự cố cháy có thể gây nguy hiểm cho rất nhiều người, vậy nhưng, có tới hàng trăm cửa hàng xăng dầu trong số đó không đảm bảo về khoảng cách, dẫn đến nguy cơ gây cháy và hậu quả xảy ra được cảnh báo là rất lớn.

Theo quan sát của chúng tôi, các cây xăng trong nội đô thành phố đều nằm rất gần lưới điện, trong khi theo tiêu chuẩn, khoảng cách từ trụ bơm xăng đến cột điện phải có chiều dài gấp 1,5 lần chiều dài của cột điện. Do điều kiện khách quan, TPHCM quy định khoảng cách từ cây xăng đến khu dân cư và các công trình công cộng thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia. Mặc dù vậy, nhiều cây xăng ở khu vực trung tâm thành phố vẫn không đáp ứng được quy định này.

Rất nhiều cây xăng nằm sát cạnh nhà dân, gần các khu chợ, siêu thị, nơi tập trung đông người. Điển hình là ở khu vực trước chợ Bến Thành - quận 1, gần bến xe buýt án ngữ một lúc 2 cây xăng ngay mép đường. Cách đó chỉ một đoạn ngắn là thêm một cửa hàng xăng dầu nằm gọn giữa 2 con đường Yensin và Ký Con, bên cạnh là một siêu thị điện máy lớn và đằng sau là một dãy phố mua bán tấp nập. Chưa bàn đến việc cùng lúc 3 cây xăng tập trung ở một khu vực đông đúc dân cư là không hợp lý, chỉ riêng sự tồn tại của các cây xăng này cũng đã khiến địa bàn mất an toàn về cháy nổ. Ngoài những bất cẩn có thể đến từ phía người dân tới đổ xăng, thì việc dừng đỗ xe bồn để tiếp xăng cũng là quá nguy hiểm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người dân sống gần cây xăng này rất lo lắng, nhưng không ai dám lên tiếng. Hơn nữa, theo như một người dân ở đây cho biết thì có nói cũng... bằng không ! Vì sao?


Một cửa hàng xăng dầu ở Q.1 nằm sát giao lộ và bến xe buýt - Ảnh: TNO.

Người dân thì lo sợ cháy, còn các nhân viên bán xăng tại cửa hàng này khi được phóng viên hỏi về kỹ năng ứng phó với các sự cố cháy đã "thật thà" cho biết: đã được đi học về PCCC nhưng học chỉ để cho có, chứ không biết lúc cháy bất ngờ xảy ra thì có xử lý được hay không? Và lý do đi học cũng được nhân viên trả lời rất... "vô tư", rằng:

Trên thực tế, không ít cửa hàng bán xăng dầu vi phạm nghiêm trọng về khoảng cách an toàn nhưng vẫn tồn tại như một thách thức đối với công luận. Tại một hội nghị chuyên đề, Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC đã từng nêu lên thực trạng này:

Có một điều lạ là khi chúng tôi xin gặp các cửa hàng Trưởng của một loạt cây xăng để hỏi về việc đảm bảo an toàn PCCC, thì hầu hết đều né tránh hoặc tỏ thái độ bất hợp tác. Chính những người có trách nhiệm cố tình gây khó dễ và không muốn cung cấp thông tin đã làm cho chúng tôi không khỏi hoài nghi và đặt ra câu hỏi: phải chăng có điều gì còn khuất tất, hay là vấn đề PCCC ở các cây xăng trên địa bàn thành phố là một vấn đề “nhạy cảm”, “khó nói” ?

Lật lại quá trình chấn chỉnh những điểm kinh doanh xăng dầu chưa an toàn, mới thấy được việc xử lý chưa dứt khoát, còn "nhẹ tay" của các cơ quan chức năng. Theo quyết định số 39 ngày 6 tháng 3 năm 2007 của UBND TPHCM về phê duyệt quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu, thì có 61 cửa hàng phải ngưng hoạt động từ năm 2007 và 113 cửa hàng được kinh doanh tạm đến năm 2010, nhưng phải cải tạo sửa chữa nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sau quyết định đó, vẫn không có chuyển biến gì đáng kể. Đến ngày 9 tháng 5 năm 2012, UBND TP lại ra quyết định số 17 "nới lỏng" hơn về các điều kiện tồn tại cho các cửa hàng chưa tiến hành sửa chữa theo quyết định 39, và rồi, mọi thứ lại "án binh bất động". Từ sau vụ cháy cây xăng ở Hà Nội vào tháng 6 năm 2013 gây thiệt hại nghiêm trọng, TP.HCM mới

“trông người mà ngẫm đến ta”, xử lý kiên quyết hơn đối với các cửa hàng xăng dầu. Trong một lần làm việc với các ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo:

Từ chỉ đạo trên, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã tổng kiểm tra các điểm kinh doanh xăng dầu và đã phát hiện hàng trăm lỗi vi phạm về an toàn PCCC bên cạnh những vi phạm về khoảng cách. Tuy vậy, qua đợt kiểm tra cũng chỉ có 13 cây xăng bị tạm ngưng hoạt động. Gần đây nhất là thành phố đã gia hạn đến ngày 31/12/2013, các cây xăng phải khắc phục những điểm chưa an toàn. Vậy nhưng, thật đáng lo ngại là đến nay, đã quá thời hạn quy định nhưng nhiều cây xăng vẫn chưa trình phương án cải tạo để Sở Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Trước đó, Thiếu tướng Trần Triều Dương - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã cho biết:

Thiết nghĩ, cho dù có gia hạn thêm nhiều lần nữa để các cửa hàng xăng dầu làm đúng theo những quy định vốn đã rất thông thoáng của thành phố, thì đó cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Kinh doanh xăng dầu luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, và người dân sống trong khu vực có các cửa hàng xăng dầu vi phạm quy định an toàn PCCC không thể cứ ngồi chờ hết lần gia hạn này đến lần gia hạn khác, trong khi hiểm họa cháy nổ có thể bất ngờ đổ ập xuống gia đình mình bất cứ lúc nào.

Ở một đô thị đặc biệt như TPHCM thì lẽ ra, các tiêu chuẩn an toàn PCCC phải cao hơn và phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, đã đến lúc thành phố chúng ta, mà cụ thể là Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Công Thương, Sở Cảnh sát PCCC, chính quyền địa phương sở tại và các đơn vị có liên quan phải mạnh tay, quyết liệt xử lý, ra quyết định ngừng hoạt động và di dời ngay những cửa hàng xăng dầu vi phạm quy định về an toàn PCCC, hoặc cố tình không chấp hành yêu cầu khắc phục những điểm chưa an toàn vì bất cứ lý do gì. Trong quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu, trước tiên phải di dời những cây xăng ở nơi có thể gây nguy hiểm và bố trí tại những khu vực hợp lý, an toàn. Cũng giống như quy hoạch về kinh doanh gas, quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu ở thành phố cần có một lộ trình và phải thực hiện thật kiên quyết từng bước một. Làm được việc này mới mong đảm bảo được yếu tố an toàn - là yêu cầu quan trọng hàng đầu ở một đô thị năng động, phát triển không ngừng như TPHCM.