Hơn 40% người làm du lịch tại Việt Nam chưa qua đào tạo

(VOH) - Cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, hơn 40% trong số đó chưa qua đào tạo về tay nghề.

Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN” (Ảnh: Hữu Nghị)

Đây là thực tế được ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu ra tại Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN” do Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch tổ chức sáng nay 9/12 tại TPHCM.

Theo ông Bình, để có lao động, các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chuyên môn, rồi sau đó về đào tạo cấp tốc để đáp ứng nhu cầu công việc. Hiện nay ngay sinh viên ngành du lịch sau khi tốt nghiệp chưa thể đảm nhận được yêu cầu công việc.

“Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được đánh giá là thiếu và yếu. Ngành giáo dục cũng tồn tại nhiều vấn đề. Số lượng các trường Đại học ra đời ào ạt, tạo ra sự đào tạo cung vượt quá cầu.

Hiện nay, hàng mấy trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp. Ngay cả các trường đào tạo về du lịch, cử nhân trong ngành không có việc làm cũng rất nhiều. Chúng ta chỉ cần vào trong các khách sạn sẽ thấy ngay rằng, hầu hết người lao động trong này đều tốt nghiệp đại học nhưng thực ra ở các vị trí ấy chỉ cần người tốt nghiệp trường nghề thôi” – ông Bình đánh giá.

Nhiều ý kiến cho rằng, để sinh viên ngành du lịch bắt kịp nhu cầu công việc ngay khi tốt nghiệp thì giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động phải bắt tay với nhau, nghĩa là đào tạo theo yêu cầu của thực tế.

Hướng dẫn viên du lịch tại Nhà tù Phú Quốc (Ảnh: Lan Hương)

Bà Nguyễn Ngọc Khánh, Phó trưởng Phòng Tổ chức nhân sự, Công ty du lịch Vietravel cho biết, vấn đề này đã được công ty áp dụng với hình thức tạo cơ hội cho sinh viên thực tập hoặc làm nhân viên thời vụ ở công ty, có trả lương. Từ quá trình thực tập ấy, những sinh viên năng động được giữ lại, bồi dưỡng và nhận vào làm việc. Tuy nhiên, quá trình này cũng phải mất ít nhất 2 tháng để sinh viên làm quen với những đòi hỏi của vị trí đảm nhận.

Hiện nay, cả nước có gần 346 đơn vị đào tạo ngành du lịch từ sơ cấp đến sau đại học. Theo ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, phần lớn hệ thống đào tạo sinh viên ngành du lịch tồn tại nhiều bất cập. Để khắc phục hạn chế này, cần phải tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Ông Hùng nhận định: “Đào tạo phải gắn liền với thực tiễn và cơ sở, doanh nghiệp du lịch phải có trách nhiệm liên kết chặt chẽ với cơ sở đào tạo, tức là đào tạo theo yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp. Chính vì thế, liến kết giữa 3 đơn vị: Nhà nước - Nhà trường và các cơ sở đào tạo phải hết sức chặt chẽ và có trách nhiệm để chúng ta có một nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc tốt, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Việt Nam và ASEAN trong thời gian sắp tới đây”.