Huy động nguồn tài chính để mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư

(VOH) - Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Y tế và kinh tế được tổ chức từ ngày 23 đến 24/8 do nhóm công tác Y tế và Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống APEC tổ chức đã kết thúc.

Vào chiều ngày 24/8, nhóm công tác Y tế và kinh tế đã có buổi họp báo thông báo về kết quả Cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Kinh tế và Y tế.

Buổi họp báo thông báo về kết quả cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Kinh tế và Y tế.

Đánh giá về những kết quả đạt được tại cuộc họp, ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Mục đích của cuộc họp là chia sẻ và trao đổi các nội dung về đổi mới tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Cuộc họp có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC thảo luận về 5 nội dung chính. Đó là bao phủ sức khỏe toàn dân nhằm bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính. Đây là mục tiêu đã và đang được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và ở các nền kinh tế thành viên APEC.

Cuộc họp khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe cần được xác định là một ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Nguồn tài chính công từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội được coi là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế ở một số nền kinh tế thành viên APEC, cần có các cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung để mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư.

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực như tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng, có thể mang lại tiết kiệm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ y tế.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết các thành viên nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết thực hiện sáng kiến vì một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020 khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn khu vực. Các kết quả của cuộc họp được tổng hợp vào Tuyên bố chung và khuyến nghị gởi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2019 tại TP Hội An và Hội nghị thượng định cấp cao APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Bà Trần Thị Giáng Hương - Vụ trưởng, Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Y tế thông tin một số nội dung cuộc họp đã thảo luận và đưa ra sáng kiến hợp tác đang được triển khai để đạt các mục tiêu ưu tiên cụ thể đề ra trên cơ sở các khuyến nghị, đề xuất từ các đối thoại chính sách về phòng chống các bệnh dịch mới nổi tái bùng phát, ứng phó tình trạng khẩn cấp, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và đối phó với tình trạng già hóa dân số, bao phủ sức khỏe toàn dân, phòng chống tái kháng sinh và đưa y tế vào mọi chính sách.

Để thực hiện các sáng kiến này, cần tăng cường phối hợp đa ngành, kết hợp công - tư. "Tại cuộc họp này, nhóm công tác y tế của 21 nền kinh tế thành viên đã rà soát lại việc thực hiện ưu tiên hợp tác trong năm 2017 đã được các nền kinh tế thông qua, mà Việt Nam là nền kinh tế chủ nhà đã đưa ra sáng kiến này. Đó là trong năm 2017, các nền kinh tế tập trung đạt được mục tiêu bao phủ y tế toàn dân và đạt mục tiêu Vì Châu Á –Thái Bình Dương khỏe mạnh vào năm 2020", bà Giáng Hương cho biết thêm.

Việt Nam đã xây dựng Chiến lược tài chính y tế giai đoạn 2016 - 2025, hướng tới phát triển một cơ chế tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả; hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, ai cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng y tế có chất lượng khi cần mà không phải trả chi phí y tế quá lớn, hoặc bị nghèo đói vì chi trả cho dịch vụ y tế.

Các mục tiêu đề ra trong chiến lược tài chính y tế giai đoạn 2016 - 2025 bao gồm: Mở rộng diện bao phủ dân số một cách bền vững, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; Đảm bảo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân.