Không đánh đổi, hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng

(VOH) - Những thành quả kinh tế-xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn của Chính phủ đã đạt những thành công nhất định.

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sáng nay 30/12.

Dự Hội nghị còn có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các thành viên Ủy viên Bộ Chính trị, Chính phủ, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến. Tại điểm cầu TPHCM có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ còn gần 2,8%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ đô la Mỹ, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ đô la Mỹ, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ đô la Mỹ  – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế-xã hội và môi trường.

Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đây là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt và vượt 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tốc độ tăng GDP cả nước. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay tình hình phát triển kinh tế đạt nhiều kết quả khả quan, đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu. Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2018.

phát triển kinh tế-xã hội , năm 2020

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong báo cáo

Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8,3%. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Năng suất lao động năm 2019 ước đạt gần 300 triệu đồng/người, tăng gần 7%. Hoạt động thu ngân sách thành phố đạt hiệu quả, đạt hơn 412.000 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019…

Chủ tịch UBND Thành phố cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

“Nhằm đảm bảo thành phố cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, thành phố chủ động đề xuất thực hiện Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố cùng các địa phương giai đoạn 2021 – 2025, kiến nghị Chính phủ quan tâm ủng hộ nhằm tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố và các địa phương trong cả nước. kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của quốc gia”- Chủ tịch UBND Thành phố đề xuất.

Báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta, theo Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, giai đoạn 2016-2019, hầu hết chỉ số này theo đánh giá của quốc tế liên tục cải thiện về điểm số thể hiện chất lượng và thứ hạng.

Theo đó, năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện vượt trội với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67). Chỉ số môi trường kinh doanh liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện. 2 năm gần đây, mỗi năm giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), chứng tỏ chúng ta có cải cách nhưng đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Các chỉ số dù chúng ta đã nỗ lực cải thiện thứ bậc nhưng vẫn đứng dưới thứ hạng 100 là Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội…

Phó Thủ tướng cho biết, theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy: Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn; thân thiện hơn; thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí công khai tốt hơn. Tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì năm 2019 giảm còn 55%. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2016 là 11% thì năm 2019 giảm còn 7%. Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” đối với thủ tục hành chính giản đơn năm 2019 là gần 55%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận đây là hội nghị rất quan trọng, qua báo cáo của Chính phủ, chúng ta đã đạt được điều đã cam kết năm ngoái. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, năm nay tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt hơn 7% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; Lạm phát, nợ công giảm ở mức thấp, dự trữ ngoại hối quốc tế đạt gần 80 tỷ đô la Mỹ. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giờ chỉ còn 4%...

 “Đề nghị trả lời mạch lạc rõ ràng câu hỏi là năm 2019 kết quả trên các mặt, các lĩnh vực có cao hơn năm 2018 không, cao hơn, tốt hơn chỗ nào, mặt nào, lĩnh vực nào. Còn mặt nào, lĩnh vực nào chưa tốt, nguyên nhân vì sao”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.

Từ 1/1/2020, chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày: Lương tối thiểu vùng tăng, nhiều quy định cấm liên quan đến rượu bia, Luật Thi hành án hình sự 2019 áp dụng… là một số quy định có hiệu lực từ tháng 1/2020.

 

Đón giao thừa Tết Dương lịch 2020, các xe không lưu thông đường Nguyễn Huệ: Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Huệ, Quận 1 phục vụ tổ chức sự kiện đếm ngược trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới (Countdown) năm ...