Kỳ họp đánh dấu một bước ngoặt mới

(VOH) - Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII - kỳ họp đặc biệt quan trọng đã khép lại sau hơn 1 tháng làm việc. Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Nhìn lại kỳ họp này, cử tri TP cho rằng Quốc hội đã tập trung trí tuệ, bàn thảo và đưa ra nhiều quyết định với sự đồng thuận cao. Đặc biệt, hoạt động chất vấn ngày càng có chiều sâu, đi thẳng vào những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận, đặt ra nhiều vấn đề bám sát thực tiễn để các Bộ trưởng trả lời. Tuy một số câu hỏi nêu ra chưa được trả lời đầy đủ và chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng rõ ràng ở kỳ họp này, Quốc hội đã chú trọng đến những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Và điều mà cử tri nhìn thấy rất rõ ở kỳ họp là hành động của “tư lệnh ngành” sau chất vấn. Cụ thể như việc rà soát lại các công trình thủy điện, tìm nguyên nhân thủy điện xả lũ gây ra lũ lụt, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Nhờ đó đã kịp thời chỉ đạo dừng triển khai nhiều dự án thủy điện, trong đó có thủy điện 6 và 6A của Đồng Nai. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Cử tri Đỗ Văn Minh quận 3, bày tỏ: “Kỳ họp Quốc hội lần này, nếu so với các kỳ trước, đại biểu Quốc hội phát biểu thẳng thắn, tập trung, và trực tiếp vào những vấn đề. Ví dụ như xung quanh vấn đề thủy điện, lũ lụt; quy trách nhiệm ngành thủy điện, quy cả những vấn đề đề nghị phải có xử lý, việc duyệt các công trình đó”.


Tuy nhiên, theo dõi các phiên chất vấn của kỳ họp, vẫn còn không ít vấn đề cử tri băn khoăn, tâm tư. Cụ thể là nội dung liên quan đến chất lượng đội ngũ công chức hiện nay và những tồn tại của ngành tòa án. Nhiều cử tri cho rằng, sở dĩ có hiện tượng án oan sai, tình trạng tham nhũng, lãng phí vừa qua, nguyên nhân do một số cán bộ, công chức biến chất, nhưng lại được phân công nắm giữ những cương vị, trọng trách quan trọng nên dẫn đến hậu quả khôn lường, tác động xấu đến hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức viên chức nhà nước trong mắt người dân. Nói về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cử tri Phan Hữu Kỳ, ở quận 4 bày tỏ: "Dư luận cả nước cho rằng, hiện nay có khoảng 30% công chức đến công sở không làm việc, nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhìn nhận hiện tượng này chỉ có 1% thôi. Theo cử tri Phan Hữu Kỳ, đây là vấn đề nhức nhối trong bộ máy Nhà nước, cần xác định hiện tượng này thực tế là bao nhiêu, để từ đó có cơ sở giải quyết cho đúng". 


Đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm vừa qua, ông Kỳ cho rằng, Chánh án tòa án tối cao Trương Hòa Bình nói “mình nhiều việc quá nên dẫn đến sai sót” là không thỏa đáng và không thuyết phục đối với cử tri. Theo ông Kỳ, vấn đề nhân sự ở tòa án là vô cùng quan trọng: “Tòa án muốn xử đúng, thì phải chú ý đến thẩm phán, mà có hơi hướng một tí về tư lợi, lệch lạc, thì phải xóa ngay. Chứ đừng để khi sai rồi mới giải quyết thì sai càng nhiều. Tôi thấy kỳ này họp rất hay, nhiều vấn đề dân nghe, người ta góp ý, và đúng lòng dân, cho nên chúng tôi rất mừng. Sau cuộc họp này là một bước để tìm ra nguyên nhân, giải quyết đến nơi đến chốn”.


Đồng quan điểm với cử tri Phan Hữu Kỳ về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, sắp xếp hàng loạt cán bộ quản lý nhà nước có liên quan đến các vấn đề tiêu cực, tham nhũng vừa qua, theo cử tri Đồng Văn Khiêm quận 10, mấu chốt vấn đề nằm ở lợi ích nhóm. Lãng phí lớn nhất hiện nay là ở khâu duyệt dự án, một chữ ký có thể phải chi ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, theo ông Đồng Văn Khiêm, sau kỳ họp lần này, Quốc hội phải quyết liệt hơn nữa với cuộc chiến chống tham nhũng: “Chúng ta phải công nhận, đất nước chúng ta ngày càng phát triển, cái đó là công của nhân dân, của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, không thể không thừa nhận được. Năm nay, kinh tế dù thế nào đi nữa, chúng ta ra đường, đi khắp nơi đều thấy có sự đổi mới, đó là công của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, với đà phát triển như hiện nay, chúng ta không làm tốt công tác bài trừ tham nhũng, mà cái gốc của công tác này chính là ở bộ máy quản lý tổ chức, trong đó là Quốc hội, Chính phủ. Muốn làm được điều này thì sắp xếp lại tổ chức, cải cách hành chính làm sao làm cho tốt”.


Nhiều cử tri TP cũng đồng tình với quyết tâm bài trừ tham nhũng và nhìn nhận đây là quốc nạn. Mọi tiêu cực phát sinh trong thời gian qua cũng từ đây, phải bài trừ tận gốc, từ sâu bên trong. Cử tri ở quận 8 - ông Trang Hồng Châu bày tỏ: “Cá nhân tôi cũng như cử tri quan tâm nữa là vấn đề tham nhũng. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách có liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhưng việc tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra rất phức tạp, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nơi. Đây là một vấn đề nhức nhối, cử tri rất quan tâm và mong muốn, thời gian tới, Đảng và Nhà nước có những biện pháp hữu hiệu hơn, để làm sao ngăn chặn, đẩy lùi được nạn tham nhũng, lãng phí”.


Và cũng như các cử tri khác tại TP, ông Trang Hồng Châu vô cùng phấn khởi khi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp lần này, với 97,59% đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành. Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) đã phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và khắc phục được những bất cập, hạn chế của Hiến pháp năm 1992. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2014, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Cử tri Trang Hồng Châu bày tỏ niềm vui trước sự kiện quan trọng này: “Tôi thấy Hiến Pháp lần này Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì Hiến Pháp lần này được tiến hành trong thời kỳ đất nước ta trãi qua 30 năm đổi mới. Đồng thời, đúc kết những kinh nghiệm của các Hiến pháp trước đây. Do đó, Hiến pháp lần này thể hiện đầy đủ ý Đảng lòng dân. Đây là một đạo Luật rất cơ bản. Có thể nói đây là Hiến pháp tương đối toàn diện tất cả các mặt, đã được nêu trên tinh thần đổi mới, hội nhập. Trong đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản VN đối với Nhà nước và toàn xã hội”.


Kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIII kết thúc, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) đã được thông qua bởi sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội. Cùng với Hiến pháp sửa đổi, việc thông qua và ban hành 8 Luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó, giải quyết các vướng mắc, bất cập trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri ở kỳ họp này, đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Cử tri TP cũng kỳ vọng các thành viên Chính phủ sau kỳ họp sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và lộ trình khắc phục những tồn tại yếu kém liên quan đến các vấn đề mà dư luận và cử tri quan tâm trong thời gian qua. Có như vậy mới phát huy được trí tuệ tập thể và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân sau mỗi kỳ họp./.