Làm sao để các vụ xâm hại trẻ em không bị 'chìm xuồng' ?

(VOH) - Sáng nay 27/4, Hội đồng Nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TPHCM, chủ đề “Bảo vệ trẻ em – thực trạng và giải pháp”.

Buổi đối thoại được tổ chức trong bối cảnh các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta có xu hướng gia tăng khoảng 20%/năm, cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này thực tế có thể còn nhiều hơn vì có trường hợp người bị hại chọn cách im lặng hoặc thỏa hiệp thay vì lên tiếng. Trong khi đó, có gần 40% vụ việc bị tòa án đình chỉ vì thiếu bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y.

đối thoại cùng chính quyền thành phố, xâm hại tình dục trẻ em

Không ít phụ huynh có cảm giác bất lực, không biết kêu cầu ai khi con có dấu hiệu bị xâm hại (Ảnh: knpr)

Tiến trình xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chậm

Ông Nguyễn Nhật Nam – Phó Viện trưởng, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM cho biết: “Từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, tổng số vụ án xâm hại đã khởi tố là 282 vụ, các cơ quan tố tụng đã giải quyết 270 vụ, nhưng phải đình chỉ và tạm đình chỉ 101 vụ án đã khởi tố.

Nguyên nhân là do trình báo chậm, không đủ chứng cứ để buộc tội, không có người làm chứng hoặc gia đình và người bị hại thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho bị cáo. Bên cạnh đó các điều luật trong bộ Luật trẻ em cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi dâm ô.

Lý giải việc xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chậm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM - Trần Ngọc Sơn cho rằng, khi các vụ bạo lực, xâm hại xảy ra, nạn nhân cũng như gia đình thường rất lúng túng, lưỡng lự trong việc thực hiện việc tố giác hành vi xâm hại trẻ.

Mặt khác, đa số các nạn nhân và gia đình đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ nên không dám tố cáo kẻ gây án và cố gắng che giấu hoàn cảnh tổn thương của các em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.

Về quy trình trình báo khi phát hiện trẻ bị xâm hại, ông Trần Ngọc Sơn thông tin như sau: “Khi xảy ra vụ việc, cần đến một trong các cơ quan sau: UBND, phường xã nơi xảy ra vụ việc hay nơi trẻ em cư trú; cơ quan công an các cấp, đường dây tư vấn trẻ em 111 - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em; 113 – tổng đài phản ứng nhanh cả công an TP; số 1900545559 là điện thoại của trung tâm công tác xã hội trẻ em và cơ quan Thương binh xã hội các cấp”.

Bức xúc khi công an từ chối giải quyết

Một cử tri phản ánh, trường hợp bé gái chỉ mới hơn 2 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, nghi bị một ông hơn 70 tuổi sống gần nhà xâm hại. Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Nhà Bè cùng với luật sư, đại diện Hội Phụ nữ TPHCM đã cho bé nhận dạng.

Bé chỉ đúng hình và nhà của ông này. Theo cử tri, căn cứ vào tài liệu chứng cứ hiện có thì đã đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết.

“Công an điều tra vụ án này cố tình không giao nộp các vật dụng, tang chứng, vật chứng cho Pháp y TP để tìm dấu vết, ADN, dấu vân tay. Công an huyện Nhà Bè và công an huyện còn khuyên chúng tôi không nên tiếp tục tố giác tội phạm nữa. Như vậy do trình độ của công an yếu kém hay họ cố tình dìm vụ án xuống không điều tra nữa?” – cử tri quan ngại.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Nhật Nam – Phó Viện trưởng, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đề nghị cử tri gửi đơn cùng các tài liệu có liên quan cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Nhà Bè để giám sát việc giải quyết của Công an huyện Nhà Bè xung quanh vụ việc này.

Ông Nam giải đáp: “Như ông nêu thì việc không chấp nhận những quần áo mà ông đã cung cấp để cơ quan pháp y giám định là Công an huyện Nhà Bè chưa làm đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp con gái ông bị xâm hại và gia đình đã trình báo cơ quan công an và cơ quan công an không được quyền từ chối các thông tin về tội phạm mà phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết”.

Trong một vụ khác, bé gái sinh năm 2012 bị người hàng xóm nhiều lần xâm hại tình dục từ năm 2017. Sau khi anh trai của bé biết chuyện, người này đã đe dọa giết cả hai anh em nếu dám tiết lộ. Sự việc chỉ bị phát giác khi cha mẹ bé nghe được từ một người bạn của bé.

Tại cơ quan CSĐT, đối tượng đã thừa nhận hành vi xâm hại tình dục của mình. Gia đình cháu bé đã cung cấp hình ảnh được chụp qua điện thoại của anh trai cháu bé cho cơ quan công an nhưng bị cho là hình ảnh mờ, không thấy rõ. Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi thông báo không khởi tố vụ án hình sự với lý do "chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi".

Cử tri này kể: “Cái ông kế ở bên nhà xóm em khoảng 60 tuổi xâm hại con gái em lâu lắm rồi em mới biết và ra thưa công an. Sau đó công an cũng hỏi con gái em và thằng con trai đều nói ông ta đưa con gái em vào buồng, nhưng do bị ông ta đe dọa nếu cho cho ba mẹ biết thì ông ta sẽ giết cả nhà”.

Hay một cử tri ở huyện Hóc Môn cho biết, chị có con gái 8 tuổi, bị ông hàng xóm xâm hại. Ngoài ra, một bé gái bạn của bé cùng xóm trọ cũng bị ông này sờ mó. Sau đó lên trình báo công an, nhưng công an nói cháu chỉ mới bị sờ mó thôi, đừng làm lớn chuyện ra. Rồi sau đó lại đề nghị dựng lại hiện trường. Hiện tại cháu bị ảnh hưởng tâm lý, rất sợ hãi. Chị không muốn đem con ra để cháu phải đối diện với tình trạng này lần nữa và mong pháp luật xử lý nghiêm, để những đứa trẻ khác không bị giống con chị”.

Với các vụ việc cụ thể mà người dân phản ánh cơ quan điều tra chưa làm nghiêm túc, ông Nguyễn Nhật Nam đề nghị nạn nhân và cha mẹ các em gửi đơn thư tới Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện hoặc Viện kiểm sát nhân dân TPHCM để cơ quan này giám sát tố tụng.

Đồng thời ông Nam thông tin thêm: “Việc dựng lại hiện trường là cần thiết nhưng chị có quyền từ chối. Thông thường thì việc dựng lại hiện trường sẽ dùng hình người giả. Nhưng cũng phải có sự hợp tác của con gái chị với cơ quan công an để mô tả lại tư thế, địa điểm để họ hình dung ra vụ việc”.

Cha mẹ cần quan tâm tới trẻ để bảo vệ con

Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em không phải chủ đề mới nhưng trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đã tiếp tục nóng lên khi các phương tiện truyền thông đăng tải diễn biến xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại một số địa phương.

Chị Phương ở Bình Chánh đặt vấn đề: “Nhận biết trẻ bị dâm ô hay xâm hại tình dục, tôi muốn hỏi luật sư tư vấn kỹ hơn là như thế nào. Trong trường hợp mình hỏi cháu mà cháu không chịu nói thì mình có thể đưa đến các cơ quan của Hội Phụ nữ để được giúp đỡ không?”.

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM: “Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị dâm ô hay xâm hại là khi đón bé về bé không vui chơi, không đùa nghịch, tắm bé không cho và hỏi bé cũng không nói. Đây là những dấu hiệu mà phụ huynh phải xem xét, nhất là khi con em mình mà đi học, đi chơi về, có những biểu hiện trầm cảm, ít nói, sợ hãi, nửa đêm ngủ hay la hét. Nếu con em bị xâm hại nhớ lưu giữ lại những cái quần áo và không tắm rửa cho các em và đến cơ quan để tố cáo liền”.

Để những vụ xâm hại trẻ em không bị chìm vào quên lãng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Nguyễn Nhật Nam đề nghị: “Cần sửa đổi, quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội danh độc lập; cần quy định cụ thể hơn về việc ẩn danh với bị hại. Cho phép cơ quan điều tra tiến hành những đặc thù riêng để thu thập những chứng cứ, hành vi xâm hại. Các cơ quan ở địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống. Hướng dẫn các gia đình kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại. Kịp thời tố giác hành vi xâm hại đến các cơ quan chức năng. Thống nhất cách xử lý trong trường hợp chỉ có lời khai của đối tượng”.

Va chạm với xe container, hai dì cháu gặp nạn khi về quê nghỉ lễ - Người cháu lái xe máy chở dì ra bến xe để về quê nghỉ lễ nhưng không may va quệt với một xe container, người dì 39 tuổi đã bị bánh xe cán qua.

Nghệ An: Đưa 7 du khách gặp sự cố trên biển vào bờ an toàn - Tối 26/4, một xuồng cao su chở 7 khách khi đang trên đường từ đảo Ngư, Cửa Lò, để vào đất liền thì gặp sự cố trên biển.

[Trực tiếp] Đối thoại cùng chính quyền Thành phố: Xâm hại tình dục trẻ em – Thực trạng và giải pháp - Đối thoại cùng chính quyền TP: “Xâm hại tình dục trẻ em –Thực trạng và giải pháp”, sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng thứ Bảy, ngày 27/4 trên sóng AM 610KHz và trực tuyến trên trang ...