Luật quảng cáo cần sát thực tế

(VOH) - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo mong muốn luật quảng cáo sẽ quy định rõ ràng, theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại dịch vụ quảng cáo Cường Khanh nêu ý kiến: luật quảng cáo cần có khung rõ ràng thống nhất toàn quốc thay vì mỗi địa phương lại có một quy định riêng gây rối cho doanh nghiệp vì đủ các loại thủ tục phải xin phép :

Còn ông Phan Thanh Danh, Giám đốc Công ty dịch vụ quảng cáo Tân Danh Nhân mong muốn luật quảng cáo sẽ thống nhất, rõ ràng, minh bạch về việc xét duyệt quảng cáo, không để lọt lưới những quảng cáo dễ dãi, giật gân, câu khách nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh:

Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh: điểm cải tiến trong dự thảo luật quảng cáo là bỏ việc cấp phép thực hiện quảng cáo ngoài trời, thay vào đó là quản lý hoạt động quảng cáo bằng quy hoạch quảng cáo và thực hiện hậu kiểm. Bởi vì thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời hiện còn quá rườm rà, doanh nghiệp phải mất nhiều khoản chi phí trung gian nếu làm việc theo cơ chế xin cho. Việc xóa bỏ cấp phép thực hiện quảng cáo ngoài trời giúp giảm bớt thủ tục hành chính, người quảng cáo phải nâng cao trách nhiệm về các nội dung quảng cáo, cơ quan quản lý cũng tăng cường hậu kiểm:



Còn việc quy định thời lượng quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, theo ông Sơn là không cần thiết vì nếu quảng cáo gây phiền toái thì người tiêu dùng cũng quay lưng với chương trình, không cần siết cũng mất khách hàng. Còn quảng cáo nhiều chứng tỏ phương tiện truyền thông đó có có uy tín và người tiêu dùng cũng được lợi bằng những chương trình hay được bổ sung bằng nguồn thu quảng cáo.


Một thực tế gây bức xúc cho người tiêu dùng là những quảng cáo nói quá lên về chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, “tiền mất tật mang”. Để bảo vệ cho quyền lợi của người tiếp nhận quảng cáo, theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM thì luật cần quy định những nội dung phải đề cập trong quảng cáo, quy định cụ thể đối tượng nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng vì quảng cáo cáo sai sự thật. Ngoài ra, với những clip quảng cáo sử dụng hình ảnh mát mẻ đăng tải trên mạng đang rộ lên trong thời gian gần đây, luật cần có tầm nhìn xa để điều chỉnh những vấn đề phát sinh như thế này đối với một ngành sử dụng công nghệ hiện đại như quảng cáo:



TS Trần Du Lịch cũng cho rằng quản lí nhà nước về quảng cáo giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông (hiện đang quản lí quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, mạng điện tử, xuất bản phẩm...) hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý quảng cáo ngoài trời cũng không quan trọng bằng việc thanh kiểm tra và chế tài cần mạnh dạn giao cho chính quyền địa phương nơi thực hiện quảng cáo.


Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa Gia đình, Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng cho biết, sự phối hợp với chính quyền địa phương đã đem lại hiệu quả trong chấn chỉnh bảng hiệu quá khổ gây mất mĩ quan hoặc những quảng cáo rao vặt “khoan cắt bê tông”, “rút hầm cầu”, quảng cáo gắn đầy trên các thân cây, cột điện, tường nhà bằng hình thức như giao cho công an khu vực phát hiện, mở những khu vực quảng cáo miễn phí… Ngoài ra, ông Vinh cũng nêu ý kiến dự thảo luật quảng cáo đã bổ sung quy định về thành lập hội đồng thẩm định quảng cáo, như vậy không cần cấm quảng cáo sử dụng chữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”… Bởi vì hội đồng thẩm định có thể đánh giá được sự chính xác của nội dung quảng cáo thì nên cho phép doanh nghiệp sử dụng thuật ngữ này nếu đúng sự thật:



Thiết nghĩ, luật quảng cáo ra đời để điều chỉnh những bất cập hiện nay và phát sinh trong tương lai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành này phát triển.