Năm 2021: Dự báo xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long cao hơn năm 2016

(VOH) - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thuộc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam dự báo, xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long cao hơn năm 2016.

Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuỷ lợi cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn trong tháng 2/2021.

Trong đó, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long cao hơn năm 2016.

Cụ thể, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất tháng 2 với ranh mặn 4g/l tác động tại các cửa sông Cửu Long, trong đó tại sông cửa Tiểu, cửa Đại phạm vi ảnh hưởng là 60 km, xâm nhập sâu hơn cùng kỳ tháng 2/2016 khoảng 10 km, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 28 km.

đồng bằng sông cửu long
Năm nay, dự báo xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long cao hơn năm 2016

Tại sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng là 70 km, sâu hơn cùng kỳ 2016 khoảng 10 km, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 8 km.

Xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên có phạm vi ảnh hưởng là 65 km, tương đương cùng kỳ năm 2016, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 3 km. Trên sông Hậu phạm vi ảnh hưởng khoảng 60 km, tương đương 2016 và thấp hơn 2020 khoảng 5 km.

Chiều sâu xâm nhập mặn với ranh mặn 4g/l tại cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) tron tháng 2 có phạm vi ảnh hưởng từ 85-90 km, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 2 đến 5km và thấp hơn cùng kỳ 2020 từ 4 đến 8 km.

Đối với sông Cái Lớn, dự báo phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 50-55 km, thấp hơn cùng kỳ 2016 khoảng 7-10 km và thấp hơn 2020 gần 3-5 km.

Viện trưởng Trần Bá Hoằng dự báo dòng chảy tháng 2/2021 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn tháng 2 trên đồng bằng này có khả năng sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Tuy vậy, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam dự báo, từ nay đến ngày 8/2 và 16 đến 22/2/2021, là thời điểm triều kém, độ mặn ở khu vực cửa sông Cửu Long giảm, nước ngọt có khả năng xuất hiện tại khu vực cách biển từ 35-45 km vào lúc triều thấp, chân triều.

Các địa phương cần khẩn trương gia tăng lấy nước ngọt trong các thời gian trên nhằm ứng phó khi mặn tăng cao như dự báo. Lưu ý, các địa phương trước khi mở cống hoặc bơm lấy nước cần kiểm tra độ mặn.

Những tháng đầu năm 2016, trong khi người dân ở các tỉnh miền Bắc hứng chịu những đợt rét kỷ lục thì người dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL lại chịu cảnh hạn mặn lịch sử nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.

Theo số liệu của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, hạn mặn khiến các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Cụ thể, khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước. Các tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất là Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà.

Thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tổng tổng diện tích lần lượt là 15.823 ha và 28.000 ha.

Tính đến hết tháng 5, số hộ thiếu nước sinh hoạt là 288.259. Thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha... Ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng.

Thiên tai đã tàn phá ngành nông nghiệp, dẫn đến hậu quả là tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm.