Nét đẹp đời thường: Nghĩa cử đẹp trong những ngày giãn cách

(VOH) Có câu nói “trong gian khó mới hiểu được lòng người”...càng không nên đánh giá một người qua vẻ bề ngoài mà hãy nhìn vào cách đối nhân xử thế, cách sống của họ sẽ cho chúng ta góc nhìn khác nhau

Những ngày mà người dân thành phố đối diện với những khó khăn nhất do đại dịch, thiếu thốn đủ thứ, do mất việc, gia đình ly tán…thì những “bông hoa đời thường” lại nở rộ cho thấy sự nghĩa tình, hào hiệp của người thành phố.

Anh Trương Hoài Phong chuẩn bị suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân Bệnh viện Quận 4.
Anh Trương Hoài Phong chuẩn bị suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân Bệnh viện Quận 4.

Quần jean, áo thun, dép lê, không thích màu mè sáo rỗng, cứ đụng chuyện là đi thẳng vào vấn đề, rất đậm chất vốn có của người Sài Gòn. Anh Trương Hoài Phong, sinh năm 1982, một cư dân của cư xá Vĩnh Khánh, Phường 8, Quận 4 vẫn miệt mài những suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân, người nghèo trên địa bàn nơi anh sinh sống. Những ngày thành phố giãn cách là những ngày anh phải trở dậy từ tờ mờ sáng, cặm cụi với những nguyên liệu để làm nên những suất cháo dinh dưỡng nóng hổi đem đến cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện quận 4 và phân phát cho những người nghèo trên cung đường anh đi qua, cứ đều đặn như thế đến hết ngày giãn cách. 

Cám cảnh nhiều người quá thiếu thốn

Bên ly cà phê sáng, anh Phong cho biết mình đến với công việc này một cách tình cờ và không cho đó là việc làm thiện nguyện, làm chỉ vì tấm lòng, thấy người dân mình trong mùa dịch thiếu thốn, nhất là những bệnh nhân nghèo, công nhân lao động còn “mắc kẹt” lại thành phố. Chính vì vậy anh muốn san sẻ, góp chút lòng cùng người dân thành phố vượt qua cơn đại dịch. "Mình thấy các hoàn cảnh khó khăn nhiều, mới ban đầu thì cũng giúp chút chút rồi sau đó mới nhiều lên. Mình không dám nói câu từ thiện vì nó quá cao sang, mình thấy cái gì giúp người khác được là giúp. Chỉ làm trong khả năng mình. Nếu có người nào thấy hỗ trợ thêm thì càng quý; dịch bệnh đâu có cho người thân vô theo bệnh nhân, như em biết thì đa phần là người già, nên họ cần sự chăm lo nhiều hơn, mỗi ngày em đổi món, người ta ăn khen ngon, mình cũng cảm thấy vui", anh Phong chia sẻ.

Làm không vì mục đích, giúp đỡ người khác chỉ vì cảm thấy vui…là những suy nghĩ đơn giản, đời thường cũng giống như vẻ bên ngoài của anh vậy. Xuề xoà, gần gũi với mọi người chung quanh và cũng chính những tố chất đó tạo nên sức lan toả tích cực trong cộng đồng rất lớn. Anh cho biết khi thấy người dân khó khăn, chủ yếu là muốn giúp đỡ cho qua cảnh ngặt nhưng làm riết rồi quen, dần dà nhiều người biết công việc nên ủng hộ hết mình, chính vì vậy những buổi sáng những bệnh nhân, người nghèo được đổi món liên tục, khi thì cháo, khi thì bánh mì, bánh bao, hủ tiếu…nhưng điều mà anh hạnh phúc lớn nhất là chị nhà và con gái hoàn toàn ủng hộ việc anh làm và sẵn sàng phụ giúp, hỗ trợ anh chuyển tải những bữa ăn đến cho bệnh nhân nghèo.

Với gia đình anh Phong là người mẫu mực biết lo, từ khi dịch bùng phát, thành phố giãn cách anh dành hết thời gian cho công việc thiện nguyện và tham gia cùng địa phương trong tuyến đầu phòng chống dịch. 

Trương Hoài Phong hỗ trợ địa phương khuân quà của mạnh thường quân.
Trương Hoài Phong hỗ trợ địa phương khuân quà của mạnh thường quân.

Tiếng thơm vọng mãi 

Ngay thời kì cao điểm dịch bùng phát, quận 4 được xem là “vùng đỏ” thì anh cũng là một trong những tình nguyện viên hỗ trợ tích cực cho người dân địa phương, khi thì hỗ trợ phường chuyển quà cho người dân trong khu cách li, khi thì chở ôxy cho người bệnh, túc trực ngày đêm để ai có cần thì gọi, anh sẵn sàng phục vụ…"Anh Phong rất là nhiệt tình, bản thân không chỉ làm công tác thiện nguyện ở địa phương mà còn chia sẻ cho những nơi khác, từ những vật chất nhỏ ở những nơi như bệnh viện, trẻ mồ côi...ảnh muốn chính mình làm những việc đó cho người dân", bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam phường 8, quận 4, nhận xét.   

Chính sự nhiệt tình và gần gũi, nhiều người trong khu phố giờ đây mới hiểu anh thêm. Theo chị Nguyễn Thị Hoà, khu phố 2: Phong là người thiện nguyện viên tốt, ai khó khăn gì cũng giúp đỡ. Bình thường buôn bán, tính tình cũng vui vẻ, đôi khi cũng ngang. Đối với người đàng hoàng thì Phong rất nhã nhặn lễ phép.   

Không giàu có bằng tiền bạc, nhưng anh Phong giàu lòng nhân hậu, đôi khi một ký gạo, vài củ khoai lang, thùng mì tôm…cũng được anh sẻ chia. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” câu nói của người xưa chưa bao giờ là cũ và càng giá trị hơn ở những thời điểm này chính là nhờ những người có tấm lòng thơm thảo như anh Phong. Chia sẻ về công việc của anh Phong trong những ngày tháng giãn cách, anh Nguyễn Vũ Phúc, Phường đội trưởng phường 8, cho biết: "Anh Phong làm thì cũng xuất phát từ cái tâm, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là tâm nguyện lớn của ảnh là cùng anh em bạn bè giúp bệnh nhân nghèo có những bữa ăn trong những ngày giãn cách. Ngoài ra anh Phong còn hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ chiến sĩ ở phường đội trong công việc, anh là người hoà đồng, vui vẻ luôn giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn…ngoài ra anh cùng gia đình cũng hỗ trợ nấu ăn cho các chiến sĩ để đảm bảo sức khoẻ, hoàn thành nhiệm nhiệm vụ được giao".   

Thành phố những ngày này như cơ thể một con người vừa trải qua cơn "bạo bệnh" đang tìm lại sức sống mới. Chắc chắn trong trạng thái bình thường mới, thành phố sẽ lại sầm uất như vốn đã từng là trung tâm kinh tế của cả nước. Ai rồi cũng phải đi làm, anh Phong rồi cũng phải tất bật mưu sinh, có thể anh sẽ không nhớ đến những nghĩa cử cao đẹp của mình trên cung đường quen thuộc đã từng đi qua, nhưng với nhiều người thì sẽ không bao giờ quên, nơi đó có một đoá hoa đẹp nở giữa đời thường.