Ngôi nhà thứ hai của người lao động

(VOH) - Thời gian qua, từ sự năng động và sáng tạo của cán bộ công đoàn trong việc đồng hành với doanh nghiệp đã mang lại lợi ích cho người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Một số ban chấp hành công đoàn công ty thường xuyên tham mưu cho ban giám đốc các chính sách nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho công nhân. Ngược lại, ban giám đốc luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động hiệu quả, góp phần động viên người lao động hăng hái làm việc. Nhờ vậy, ở nhiều nơi, người lao động luôn gắn bó mật thiết với doanh nghiệp.


Sản xuất đồ nhựa tại Cty Đại Đồng Tiến. Ảnh- Internet

Kinh tế trong nước tiếp tục chịu nhiều thách thức bởi sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Song, trong bối cảnh ấy, vẫn có những doanh nghiệp chủ động tìm hướng đi riêng cho mình và tiếp tục vươn lên để phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp giữ vững được tốc độ tăng trưởng trong hoàn cảnh khó này đều thừa nhận rằng, chính sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, thực hành tiết kiệm của đội ngũ công nhân lao động mới là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển. Cũng vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chính sách chăm lo tốt đời sống, vật chất, tinh thần của người lao động để họ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp. Và từ sự chăm lo đó, ngẫu nhiên doanh nghiệp được người lao động xem như ngôi nhà thứ hai của mình.
Công ty SBGEAR VINA là công ty có 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất túi xách, ba lô xuất khẩu với hơn 1000 lao động, trong đó hết 98% là lao động nữ. Dù số lượng công nhân đông nhưng tại công ty không hề xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và cũng ít biến động về nhân sự. Đây là kết quả của việc xây dựng các chính sách chăm lo đến đời sống người lao động mà doanh nghiệp đã thực hiện trong nhiều năm qua. Có thể nêu điển hình như: tổ chức cho công nhân nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo bữa ăn bằng việc xây dựng nhà ăn tập thể, trợ cấp tiền xăng đi lại, nhà trọ cho công nhân ở mức từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/người. Tặng quà cho lao động nữ nhân dịp 8/3, sinh nhật. Hỗ trợ tiền cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng, không thực hiện tăng ca và tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ làm việc 7giờ/ngày. Thực hiện việc tăng lương và thưởng cho người lao động theo đúng thỏa ước đã xây dựng. Hiện công ty đang lên kế hoạch xây dựng nhà giữ trẻ cho con công nhân để họ yên tâm hơn gắn bó với doanh nghiệp. Nói thêm về sự chăm lo tới người lao động, ông Nghiêm Phú Sơn, Giám đốc công ty cho biết:

Còn tại Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến, việc chăm lo quyền lợi hợp pháp của người lao động chính là đem lại những lợi ích thiết thực và bền vững cho doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là việc có những chính sách ưu đãi-tăng thu nhập cho người lao động sẽ tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài và từ đó công ty tiếp tục phát triển ổn định. Và từ sự phát triển đó, những người lao động tại công ty được chia sẻ lợi nhuận. Đây là điều khá mới lạ so với các doanh nghiệp khác. Giải thích điều này ông Trịnh Chí Cường , Tổng Giám đốc công ty nói:
Ngoài ra, ở Công ty Đại Đồng Tiến, các khoản chăm lo cho người lao động như lương, thưởng, tiền ăn giữa ca, tiền chuyên cần đều được thực hiện cao hơn luật định, nhờ vậy đời sống của người lao động được cải thiện rất đáng kể. Riêng đối với nữ công nhân lao động, việc chăm sóc về sức khỏe, tinh thần, dinh dưỡng khi mang thai và nuôi con nhỏ được công ty quan tâm thực hiện thường xuyên. Và từ sự quan tâm đó người lao động ra sức thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến cải tiến để làm lợi cho doanh nghiệp. Vì ai cũng hiểu rằng, làm lợi cho doanh nghiệp cũng chính là làm lợi cho bản thân mình. Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết thêm:

Hay như ở Công ty JuKi Việt Nam hoạt động trong KCX Tân Thuận, việc mở rộng quy mô sản xuất lên 4 phân xưởng với 1.150 công nhân làm việc liên tục và ổn định trong nhiều năm qua cũng chính là kết quả của việc quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Bởi ông SUZUKI MASANORI, Tổng Giám đốc công ty tin rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động phải càng hài hòa thì càng bền vững. Ông cũng ví doanh nghiệp như người lái xe và người lao động là những bánh xe, cả hai phải phối hợp nhịp nhàng thì xe mới chuyển động tốt được. Chính vì thế, ngoài các khoản phúc lợi và trả lương thưởng cho người lao động đúng theo quy định, công ty còn cho phép công đoàn quản lý nguồn phế liệu trong quá trình sản xuất để bán lấy tiền nhập chung vào nguồn kinh phí công đoàn để chăm lo thêm cho công nhân. Nhờ vậy mà đời sống của người lao động được cải thiện hơn. Song, thành công lớn nhất ở công ty JUKI là sự gắn bó của Ban Giám đốc, công đoàn và người lao động. Đó cũng là động lực làm nên sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ:

Việc nhiều doanh nghiệp chủ động chăm lo cho người lao động sẽ là bài học kinh nghiệm thực tiễn sinh động về xây dựng, củng cố, tăng cường nội lực của doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Bởi, chính việc xem người lao động là vốn quý, khó khăn của người lao động được quan tâm chia sẻ đã vun đắp thêm tình cảm yêu quý của người lao động đối với doanh nghiệp và xem doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai của mình, họ có trách nhiệm để làm cho ngôi nhà ấy ngày càng phát triển bền vững hơn.