"Người giữ chức vụ cao trong bộ máy chính quyền không nên đồng thời là đại biểu QH"

(VOH) - Sáng 8/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 – Đoàn ĐBQH TP.HCM với cử tri trí thức và nhà khoa học.

Dự buổi tiếp xúc có các đại biểu: Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP, Huỳnh Ngọc Ánh – Phó Chánh án TAND TP, Đoàn Nguyễn Thùy Trang -  Phó Tổng biên tập Báo khoa học phổ thông cùng đông đảo cử tri là các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với đội ngũ trí thức tiêu biểu TP nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) vào ngày 18/4 tại tại Hội trường TP.HCM. Ảnh minh họa: PNO

Tại buổi tiếp xúc, dự án sân bay quốc tế Long Thành được nhiều cử tri quan tâm. Đa số các ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng sân bay này để tạo điều kiện phát triển là cần thiết, nhưng cần xem xét trong bối cảnh nước ta còn nhiều vấn đề cần đầu tư. Do đó, cử tri đề nghị tác giả dự án này cần làm rõ khả năng sử dụng và khả năng phát triển của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, cũng như cần làm rõ các số liệu về kinh tế và kỹ thuật, cần phải tổ chức phản biện độc lập cho giới trí thức và các bên có liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Cần thiết, Quốc hội làm trọng tài để xem xét và quyết định, xin ý kiến của nhân dân bằng hình thức trưng cầu dân ý. Về vấn đề này, ông Đỗ Khắc Thịnh - Phân viện khoa học công nghiệp miền Nam cho rằng.

Về chương trình xây dựng pháp luật, bà Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP cho rằng, Bộ luật Dân sự cần phải được xem là bộ luật gốc sau Hiến pháp. Bà tỏ ý băn khoăn khi dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này bỏ nhiều điều - khoản của Bộ luật cũ nhưng không lý giải vì sao, bất cập chỗ nào. Bà Mai Hồng Quỳ nói.

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tán thành quan điểm không nên để tồn tại chính quyền ở cả 3 cấp và cho rằng chính quyền địa phương nếu tổ chức tốt thì xã hội phát triển tốt.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại HĐND ở cả 3 cấp, vì chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Vấn đề quan trọng là tạo điều kiện như thế nào để HĐND phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình ở các cấp.

Về hoạt động của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – nguyên cán bộ trường đại học Bách khoa TP.HCM đề nghị những người giữ chức vụ cao trong bộ máy chính quyền không nên đồng thời là đại biểu Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan lập pháp, chính quyền là cơ quan hành pháp, nếu kiêm nhiệm như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ông cũng đề nghị cần phải có Ủy ban Lập pháp của Quốc hội để tiến hành dự thảo các dự án Luật, không nên giao cho các Bộ dự thảo vì dễ phát sinh lợi ích cục bộ.

Với riêng những vấn đề giáo dục, cử tri đề nghị Quốc hội cần có Nghị quyết về đào tạo bồi dưỡng các cán bộ quản lý giáo dục, đây là vấn đề then chốt để đổi mới giáo dục. Nhiều cử tri cũng cho rằng, Luật giáo dục nghề nghiệp chưa đánh giá đúng mức vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục hiện nay. Cũng với vấn đề giáo dục, ông Đồng Văn Khiêm - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP cho rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam rất giỏi trong việc tiếp thu những tri thức mới, vấn đề là làm sao chính sách về giáo dục cần cân bằng được giữa dạy chữ và dạy người.

​Thay mặt tổ đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP đánh giá cao các ý kiến của các cử tri. Bà cho rằng các góp ý của cử tri trong buổi tiếp xúc không chỉ có giá trị với tổ đại biểu Quốc hội mà còn rất có ý nghĩa đối với lãnh đạo thành phố trong công tác chỉ đạo điều hành.