Nhiều băn khoăn quanh đề xuất hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM

(VOH) - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất lên UBND TP một loạt giải pháp để hạn chế việc sở hữu và sử dụng xe cá nhân. Những ngày qua, vấn đề này đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ phía người dân và các chuyên gia nghiên cứu.

Cụ thể, Sở GTVT đề xuất quản lý phương tiện đăng ký mới bằng cách cấp hạn ngạch, trong đó chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí,...đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.

Tại khu vực nội đô, điều kiện để sở hữu phương tiện xe ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe. TP.HCM sẽ xem xét đưa ra hệ thống hạn ngạch để hạn chế số lượng ô tô bán ra và đi đăng ký. Trước mắt, sớm ban hành quy định niên hạn sử dụng đối với xe gắn máy.

Bên cạnh các giải pháp trên, Sở còn đề xuất dùng các chế tài về kinh tế như thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe để giảm bớt việc đi lại bằng xe riêng vì càng đi nhiều càng phải trả tiền.

Theo Sở GTVT, căn cứ vào biển đăng ký xe để hạn chế lái xe ở một số khu vực vào một số ngày nhất định trong tuần nhằm giảm số lượng ô tô được sử dụng. Biện pháp này có thể được áp dụng cho một số loại xe nhất định, một số khu vực nhất định vào những thời điểm cụ thể trong ngày hoặc là cả ngày.

Trước những đề xuất mới này, nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất trên được thực hiện, người có thu nhập thấp sẽ là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất.

Nhiều băn khoăn quanh đề xuất hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM - Ảnh minh họa (NLĐO).

Thực tế, trước thông tin xe máy phải đóng thêm các loại thuế, phí... nhiều người dân cũng đang cảm thấy rất lo lắng, băn khoăn. Ông Lê Hoàng Anh – người dân tại quận Tân Bình cho biết: "Xe máy là phương tiện đi lại rất cần thiết cho người dân, nhất là đối với những người nghèo. Do đó đề xuất này sẽ hạn chế rất nhiều với họ".

Nói về đề xuất này, ông Trần Đình Trí – ngụ tại quận 12 bày tỏ: "Người dân làm ra tiền, họ có quyền mua đi bán lại tài sản của họ. Vì vậy TP đưa ra việc đấu giá và nộp tiền để lưu hành xe là không được".

​Còn theo Tiến sĩ Trần Nhu – người có nhiều năm nghiên cứu về chính sách phát triển đô thị, thì đề xuất này đã được nêu ra trước đây nhưng không thực hiện được vì thiếu tính đồng bộ, và hiện nay lại được tiếp tục nhắc đến nhưng thiếu những điều kiện khoa học nên khó khả thi. Bên cạnh đó, đề xuất trên của Sở GTVT nhắm đến xe máy, cũng là nhắm đến phương tiện đi lại kiếm sống hằng ngày của hàng triệu người dân thành phố. Vì vậy, cần phải có sự suy xét hết sức cẩn trọng. "Công việc của người dân thì muôn hình vạn trạng, họ không thể cứ sử dụng phương tiện công cộng được. Bây giờ chúng ta tăng đủ các loại phí, tức là đánh vào người nghèo. Cho nên, theo tôi nên có một giải pháp khác chứ giải pháp này không thuận lòng dân lắm, với thực sự mà nói là khó khả thi", ông Nhu nói.

​Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, thì đề xuất này không mang tính khả thi, và chúng ta không thể giải quyết tình hình giao thông thành phố bằng cách áp đủ loại phí lên phương tiện cá nhân. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: "Tôi cho rằng các hệ lụy tiêu cực sẽ nhiều hơn tích cực. Thứ nhất là người dân không thể bỏ được chiếc xe máy, vì đó là công cụ làm việc của họ, sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của những người phải sử dụng xe máy. Thứ hai là người dân phải chi thêm tiền, thực chất mà nói là trừ vào đồng lương, do đó đời sống của họ sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy tôi nghĩ mặc dù đã đề xuất nhưng TP nên mở rộng thảo luận, ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia và thực hiện điều tra xã hội học xung quanh phản ứng của người dân về vấn đề này".

Theo thống kê, hiện nay ở TP.HCM đã trên 5,5 triệu xe máy các loại, khoảng 550.000 ô tô, đó là chưa kể lượng xe của các tỉnh - thành vào TP.HCM sử dụng. Ngoài ra, mỗi ngày ở TP có khoảng 1.000 xe máy và gần 100 ô tô đăng ký mới. Vốn dĩ hạ tầng đã quá tải so với khả năng đáp ứng, trong khi lượng xe ngày càng tăng (khoảng 10%-12%/năm) thì diện tích mặt đường không tăng kịp (chỉ tăng khoảng 3%-5%/năm). Song song đó, TP có khoảng 7.000km đường, trong đó chỉ khoảng 2.000km là đường lớn, xe công cộng có thể đi lại được, còn lại là đường nhỏ hẹp, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng. Hệ quả dẫn đến là giao thông ngày càng căng thẳng trên mọi nẻo đường, bất kể có phải vào giờ cao điểm hay không. Do đó, đề xuất của Sở GTVT là một biện pháp để góp phần giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Nhu – chuyên gia giao thông, thì nhận định: "Điểm hạn chế ở đây là thiếu phối hợp giữa quy hoạch và giao thông. Mọi đề xuất như thế này mà không gắn với quy hoạch chung về hạ tầng, về phương tiện công cộng và các quy hoạch khác thì tôi cho rằng nó sẽ rất lãng phí".

​Trong kỳ họp thứ 17 vào cuối tháng 12/2014 vừa qua, HĐND TP đã thông qua tờ trình về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Nếu đề xuất hạn chế xe cá nhân của Sở GTVT tiếp tục được thông qua, hàng triệu người dân TP sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, việc giảm các phương tiện cá nhân cần có lộ trình, phải đi đôi với tăng phương tiện giao thông công cộng, cải thiện hạ tầng giao thông và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân trong đô thị. Đó mới là giải pháp căn cơ trong quy hoạch giao thông đô thị ở nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng.