Nhiều doanh nghiệp mong muốn sửa, bổ sung luật Thuế

(VOH) - Sáng nay (08/3), ông Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế.

Tại hội thảo, tất cả ý kiến của các đại biểu đều đồng tình cần phải sửa 3 luật này.

Về luật thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Thaco có ý kiến về một số mức cần xem lại vì không phù hợp. Đồng thời cũng có nhiều ý kiến về áp mức tính thuế lấy cơ sở kinh doanh thương mại trung bình còn nhiều mơ hồ, luật thuế mà cứ sửa tới sửa lui thì doanh nghiệp khó kinh doanh, như vậy sẽ khiến nhà nước tổn thất nhiều hơn…

Theo Hiệp hội khu công nghiệp cao, thì một số quy định trong luật không thoả đáng, hiện chưa có cơ chế rõ ràng về việc phân định quyền hạn kiểm tra các doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp quá khó khăn nên nhiều doanh nghiệp bán cả thương hiệu, tư cách pháp nhân, nhãn hàng.

Còn theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện, thì nhập nguyên máy thì thuế xuất 0% nhưng khi nhập từng linh kiện thì phải chịu thuế 5%. Đến Luật này thì đã giải quyết được vấn đề tồn tại 30 năm qua, tuy nhiên cần quy định rõ về khái niệm hàng hóa, thành phẩm cho rõ ràng để tránh bị hiểu nhầm.

Còn theo Ban đường sắt đô thị sự đan chéo, chồng chéo giữa các thông tư. Vì vậy, khi ban hành luật càng nhiều giải thích từ ngữ càng tốt. Bổ sung thêm điều 4 các từ như trang thiết bị, nguyên vật liệu, phụ tùng.

Trong luật có điều 12, 13, 14 đã đề dẫn đến thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp của hàng hoá bên ngoài đưa vào thị trường nhưng chưa nêu quyền lợi cuả người sản xuất trong nước được hưởng thế nào thì chưa thể hiện.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp ý kiến Ban soạn thảo nên rà soát các pháp lệnh quy định vấn đề tương ứng để thống nhất về cách gọi về vụ việc vấn đề. Ban soạn thảo nên rà soát lại khâu chuẩn bị các nghị định hướng dẫn của các Bộ ngành đã tới đâu. Nếu như mọi việc đã sẵn sàng thì có thể chọn mốc tháng 9/2016 đề trình thông qua, còn không thì hãy để qua tháng 1/2017, nhằm tránh trường hợp Luật ban hành nhưng phải chờ Nghị định hướng dẫn các điều khoản như lâu nay bị vướng…

Ông Trần Du Lịch cho rằng, hễ từ ngữ nào có 2 ý nghĩa khác nhau phải đưa vào Điều 4 để giải thích, bởi Luật là để chấp hành chứ không phải nêu ra mà mỗi người hiểu một kiểu...

 “Chúng tôi tiếp thu hết những cách làm chung, cách tính, đặc biệt là chúng ta đi đến chỗ minh bạch, luật thuế mà cứ sửa xoành xoạch thế này thì chẳng ai yên tâm làm. Tôi nghiên cứu các nước kể cả Mỹ, thuế là luật, là nguyên tắc, thay đổi chính sách nhà nước thiệt, chứ không bao giờ để doanh nghiệp thiệt...”, ông Trần Du Lịch phát biểu.