Nhiều đổi mới từ 'Đề án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố'

(VOH) - Việc điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM lần này sẽ được thiết kế trên cơ sở kế thừa của đô thị hiện hữu, khắc phục các mặt tồn tại, định hướng tầm nhìn để đón những cơ hội mới..

Sáng nay 27/3, Hội đồng nhân dân Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) phối hợp thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền Thành phố, với chủ đề “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh - Những vấn đề cần trao đổi”.

Tham gia chương trình có đại diện: Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, Phòng Đô thị Quận 1 và Thành phố Thủ Đức.

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát triển trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24 ngày 06/01/2010.

Bên cạnh những hiệu quả mang lại sau 10 năm triển khai vào thực tế, quy hoạch chung này đã và đang bộc lộ một số bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh lần này sẽ được thiết kế trên cơ sở kế thừa của đô thị hiện hữu, khắc phục các mặt tồn tại, định hướng tầm nhìn để đón những cơ hội mới; Cụ thể hóa các đề án, chủ trương, định hướng và chương trình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất, các ngành chức năng, chuyên gia và kể cả mỗi người dân thành phố cần có những suy nghĩ, hành động cụ thể, để góp phần xây dựng thực hiện hiệu quả đề án.

Nhiều đổi mới từ “Đề án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố” 1
Chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố tháng 3/2021, với chủ đề “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh - Những vấn đề cần trao đổi”.

Tham gia trao đổi trực tiếp với chương trình, ông Trần Văn An ở Thủ Đức cho rằng: "Khi quy hoạch Thủ Đức trở thành Thành phố tôi rất vui mừng và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tôi thấy lo ngại vì trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, làm sao mình có thể huy động được nguồn vốn để chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện tại bởi phát triển lên thành phố rồi thì phải có hạ tầng hoàn chỉnh và phải tốt hơn".

Trả lời câu hỏi của thính giả, bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Trưởng phòng Quản lý Đô thị, Thành phố Thủ Đức cho biết: "Sắp tới, thành phố Thủ Đức sẽ phối hợp các sở, ngành thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất, xem xét ban hành một số cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư hành chính, tài chính, để tăng cường hiệu quả và hiệu lực của bộ máy quản lý.

Cụ thể, sẽ đẩy mạnh công tác quản lý theo phân cấp, phân quyền đến chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, cùng với việc phân bổ nguồn lực cho chính quyền địa phương, để có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận các công tác mới sau khi được phân cấp, phân quyền;

Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính; Triển khai áp dụng rộng rãi các quy trình, quy chế; Nâng cao trình độ cán bộ công chức trong thực thi công vụ".

Trên cơ sở phân tích thực tế, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cũng cho biết thêm các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của đồ án quy hoạch cũ và định hướng điều chỉnh đồ án quy hoạch mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc khẳng định: "Lần này làm quy hoạch là phải đổi mới theo hướng tích hợp đa ngành và có tính kết nối hơn. Vấn đề thứ hai là nâng cao chất lượng tính khả thi của quy hoạch, tháo gỡ những vướn mắc pháp lý, phải có sự rà soát và giải quyết được các vấn đề pháp lý đó.

Thứ ba là nhóm giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong đó, có vấn đề kêu gọi, phối hợp tổ chức nguồn lực ra sao, trách nhiệm của tất cả các bên, từ người dân, nhà đầu tư, nhà quản lý…Đó là nỗ lực tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân thì đồ án mới khả thi được".

Thời gian qua, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyến đi khảo sát thực tế, đánh giá về tình hình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thời gian qua, và cũng có những đóng góp thiết thực trong triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô Thị Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nhiệm vụ về chỉnh trang tái phát triển đô thị và phát triển khu đô thị mới phải được chú trọng ngang nhau về điều chỉnh quy hoạch, tăng cường kết nối vùng với thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là hạt nhân, trung tâm tài chính, sáng tạo, logistic và thu hút đầu tư.

Với mục tiêu đó, chỉ các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, đô thị biển Cần Giờ sẽ đóng vai trò là những nhân tố nổi trội để thu hút nguồn lực và tận dụng các thế mạnh, tạo sự phát triển đồng đều, đúng với tiềm năng của từng địa phương mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng xanh và bền vững".

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng cần nghiên cứu các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong tình hình mới và phù hợp với quy hoạch chung thành phố; Đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị của sự đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, bền vững.