Nhìn lại tuần làm việc thứ 5 của kỳ họp Quốc hội

(VOH) - Từ ngày 15 đến 19/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII bước vào tuần làm việc thứ 5 với nội dung trọng tâm là công tác lập pháp.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Viên chức; Luật Tố tụng hành chính; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi). Hai nghị quyết cũng được biểu quyết thông qua, gồm Nghị quyết về Phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Các dự án Luật Khiếu nại, Luật Thủ đô, Luật Tố cáo, Luật Đo lường, Luật Lưu trữ và Luật Kiểm toán độc lập được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường, trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được xem xét, cho ý kiến tại các tổ đại biểu. Sau đây là tổng hợp của BTV Hoàng Lâm, mời quý vị và các bạn theo dõi:

Bộ Luật thanh tra (sửa đổi) với 7 Chương 78 Điều được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ đã được biểu quyết thông qua với tỉ lệ 81,14% phiếu đồng ý và Bộ Luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2011.

Về Luật Viên chức sau khi được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm 6 Chương và 62 Điều. Với phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Viên chức được chỉnh lý theo hướng chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Luật Viên chức đã được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2012.

Đối với Bộ Luật thuế bảo vệ môi trường, chủ yếu hướng vào mục đích giảm khí thải khi đưa xăng, dầu, than đá và môi chất làm lạnh vào diện chịu thuế. Trong khi đó, việc gây ô nhiễm nguồn nước, nhất là nước thải công nghiệp, mới là vấn đề nổi cộm và bức xúc nhất hiện nay, thì gần như chưa được đề cập tới trong Bộ Luật. Nhiều đại biểu cho rằng: Một trong những mục tiêu của Bộ Luật thuế này là khuyến khích phát triển kinh tế đi đôi với giảm ô nhiễm môi trường, nhưng lại không đưa các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vào đối tượng điều chỉnh. Rõ ràng, quy định loại trừ chẳng những không thể ngăn ngừa, mà còn gián tiếp mở đường cho các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm nặng sử dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu, để lại gánh nặng về môi trường cho cộng đồng địa phương. Bộ Luật thuế bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Về Dự thảo Luật khiếu nại, nhiều vấn đề đáng quan tâm liên quan đến phạm vi điều chỉnh, trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khiếu nại đông người, luật sư tham gia bào chữa cho người bị khiếu nại,... đã được đưa ra thảo luận. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là khiếu nại đông người. Một số đại biểu cho rằng thực tế tình trạng khiếu nại đông người diễn ra ở nhiều nơi và thường liên quan đến vấn đề đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư… Đại biểu Vũ Quang Hải - đoàn Hưng Yên có ý kiến:


Về vấn đề trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành thì trình tự giải quyết khiếu nại gồm 2 giai đoạn. Nhiều đại biểu cho rằng, cơ chế giải quyết khiếu nại lần đầu như hiện nay không phù hợp, thiếu khách quan công bằng vì người có quyết định, hành vi hành chính cũng là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Do vậy một số ý kiến tán thành cơ chế giải quyết khiếu nại 1 lần, tránh khiếu kiện kéo dài. Về quy định về thời hiệu để giải quyết khiếu nại, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng quy định thời hiệu giải quyết khiếu nại từ 10 đến 15 ngày như dự thảo luật là không khả thi và chưa hợp lý vì quy định thời gian như vậy là rất ngắn, khó có thể thực hiện tốt quy trình và trình tự giải quyết khiếu nại 1 vấn đề…

Thảo luận dự án Luật Hợp tác xã, đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Hợp tác xã (HTX) mới, đồng thời định hướng phát triển cho các HTX hiện đang hoạt động theo đúng bản chất HTX. Việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều đại biểu cho rằng, qua bảy năm thực hiện, Luật HTX đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chưa làm rõ bản chất của mô hình HTX; chưa làm nổi bật tính chất phục vụ xã viên của tổ chức HTX; hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước đối với HTX chưa được xác định rõ và tổ chức thống nhất với một đầu mối; một số quy định chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần có Báo cáo tổng kết hoạt động của các HTX trong thời gian qua, để QH và các cơ quan chức năng có căn cứ đưa ra hướng phát triển HTX trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tố cáo, các vấn đề như quy định chủ thể quyền tố cáo; Các hình thức tố cáo và các quy định bảo vệ người tố cáo là những nội dung trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và đóng góp ý kiến.

Về các quy định bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật dành hẳn một Chương về vấn đề này với các quy định về bảo vệ an toàn việc làm, tính mạng, sức khỏe của người tố cáo... Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu nhìn nhận: Một số điều khoản quy định về vấn đề này chưa cụ thể hóa vẫn còn mang tính chung chung. Đại biểu Phan Thị Thu Hà - Đoàn Đồng Tháp, cho rằng: Đọc những quy định về bảo vệ người tố cáo như trong dự thảo Luật thì chắc không ai dám dũng cảm dấn thân tố cáo tiêu cực,...”. Theo đại biểu Hà thì đã có những người đứng lên tố cáo cho rằng mình từng bị trù dập, đe dọa tông xe, mất việc... Nếu bây giờ người tố cáo đề nghị công an bảo vệ, song họ vẫn bị đe dọa tính mạng thì công an chịu trách nhiệm gì? Họ đã dũng cảm tố cáo, vậy chúng ta bảo vệ họ ra sao?"

Xác định người tố cáo là những người "yếu thế", đại biểu Lê Văn Hưng - đoàn Hưng Yên nhấn mạnh cần có biện pháp bảo vệ họ ngay từ khi bắt đầu giải quyết sự việc. Bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo, có đại biểu cũng băn khoăn về cách "ứng xử" của một số cơ quan với những người này, do vậy dự thảo Luật cần phân định trường hợp nào thì đối chất, trường hợp nào giữ bí mật danh tính để bảo vệ quyền lợi của người tố cáo. Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Hưng, nói:


Về vấn đề đơn thư tố cáo nặc danh, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét: Trong một số hoàn cảnh người tố cáo không dám "xuất hiện" vì sợ bị trù dập, ảnh hưởng quyền lợi... trong khi sự việc có thật thì đơn thư của họ cũng cần được xem xét. Thời gian qua số lượng các tố cáo "nặc danh" thường tăng vào các thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự,… Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có người tố cáo sai sự thật để gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu thừa nhận loại tố cáo này, vô hình trung sẽ khuyến khích tố cáo nặc danh, mạo danh. Góp ý thêm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Phước Long - Đoàn Trà Vinh, nêu ý kiến:


Theo chương trình làm việc của kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa 12, phiên chất vấn của kỳ họp sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi và hôm nay 22/11 sẽ là ngày đầu tiên của phiên chất vấn. Trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ có 5 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn trực tiếp, đó là các Bộ trưởng: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Hoàng Lâm