Những người phụ nữ hi sinh thiên chức làm mẹ

(VOH) - Đến chùa Kỳ Quang 2 trong một buổi chiều tối cuối tuần, trong căn phòng dành cho 27 em bị khuyết tật và bại não, chị Võ Thị Kim Yến dịu dàng đút cơm cho từng đứa con, mồ hôi túa ra trên khuôn mặt mang vẻ phúc hậu của chị. Chúng tôi ngồi lặng lẽ nhìn những hình ảnh đó, và thầm cảm ơn cuộc đời đã mang những người mẹ như chị Yến đến với các em. Dẫu biết rằng những đứa bé kia không được bình thường, không thể nói, cười, chạy nhảy và tư duy, nhưng chắc chắn trong tiềm thức sâu xa của chúng đang cảm nhận được hơi ấm thiêng liêng của tình mẹ.

Sau khi cho các con ăn xong, chị Yến mới dành cho chúng tôi những lời chia sẻ về chặng đường mà chị đã đi qua, về lí do vì sao chị lại chọn công việc mang nhiều ý nghĩa này. Chị sinh năm 1972, cách đây gần 20 năm, từ Quảng Nam chị đã vào Sài gòn để tìm việc làm. Rồi chị có người yêu, có được một công việc ổn định, những tưởng ước mơ về một mái ấm gia đình nhỏ sẽ đến với chị không xa. Thế nhưng, tình cờ một lần chị theo người bạn đến thăm Chùa Kỳ Quang 2, tại đây chị đã khóc sưng mắt vì chứng kiến cảnh những em bé tật nguyền, đau đớn vật lộn với bao căn bệnh quái ác. Chị về nhà, trăn trở, suy nghĩ và rồi quyết định bỏ lại phía sau ước mơ dang dở của mình để đến Chùa xin vào làm mẹ của những đứa bé bất hạnh ấy. Hơn 10 năm làm mẹ của những đứa con mà mình không sinh ra, khó khăn trăm bề nhưng chưa lúc nào chị cảm thấy hối hận vì quyết định của mình:

Những đứa bé mồ côi trong làng Picasso ở Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: CDNHS.

Tuổi xuân cũng trôi qua cùng những tháng ngày gắn bó những đứa bé mồ côi, mới ngày nào bước vào Trường nuôi dạy trẻ mầm non 1, nay làng Picasso - Thủ Đức, chị Trần Thị Xế- khi ấy chỉ hơn 20 tuổi, nay thì chị đã bước vào tuổi 50. Vậy là chị làm Mẹ được 28 năm ở Làng. Công việc nhiều nên chị chẳng có thời gian lo cho hạnh phúc riêng. Chị Xế tâm sự, gắn bó với những đứa trẻ sâu nặng quá, nên tình duyên vụt mất lúc nào mình cũng chẳng hay. Nhìn người phụ nữ đã sống hơn nửa đời người lẻ bóng, vậy mà chúng tôi không hề thấy nét buồn tủi cô đơn. Và cứ thế, ánh mắt chị lúc nào cũng sáng lên vì những đứa con ngoan luôn gọi chị bằng mẹ.

Vừa sinh ra, cuộc đời những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ tưởng như đã khép lại. Nhưng tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình II, các em đã được đón nhận, được cho một mái ấm và được yêu thương bởi những người mẹ có tấm lòng nhân ái.

Một trong những người mẹ ấy là chị Nguyễn Thị Tú Anh, đã làm mẹ được hơn 20 năm và hiện nay chị đang trực tiếp chăm sóc cho 37 đứa con. Chị có một khuôn mặt đẹp và đã từng được nhiều người đàn ông theo đuổi. Nhưng cũng như chị Yến, chị Xế và bao người mẹ khác đang âm thầm trao trọn tình yêu thương cho những đứa trẻ bất hạnh, chị Tú Anh sợ rằng khi mình lập gia đình thì không thể toàn tâm chăm sóc cho các con được. Chị chỉ muốn vòng tay mình trọn vẹn ôm ấp các con trong lòng để chúng có thể cảm nhận được hơi ấm của mẹ mà lớn lên, vượt qua được bệnh tật.

Chúng tôi hỏi chị có sợ nguy hiểm không, chị lắc đầu mỉm cười. Chị cho biết có nhiều trẻ sơ sinh khi mới vào đây chỉ còn da bọc xương, có em thì mụn nhọt mọc đầy người trông rất thương. Nếu đúng theo quy định thì khi chăm sóc các bé phải đeo găng tay, khẩu trang, để tránh máu bắn vào người nếu có. Nhưng không thể làm vậy vì nó sẽ tạo ra hố sâu ngăn cách giữa con và mẹ. Các em còn nhỏ nhưng rất nhạy cảm và dễ tủi thân. Có lẽ lời chị Tú Anh nói là đúng khi ánh mắt của những em bé ở đây dù lớn hay nhỏ đều man mác buồn ngay cả khi chúng cười.

Có người khi đang làm việc, đôi lúc chỉ thèm được ngủ một giấc trọn đêm, nhưng đến tuổi về hưu rồi thì nhiều đêm lại mất ngủ vì nhớ tiếng khóc của các con, tiếng ú ớ gọi mẹ, tiếng đòi sữa…Cô Đoàn Thị Quốc sau 18 năm làm mẹ tại Làng Picasso-Thủ Đức, nay vì lí do sức khỏe nên đã nghỉ hưu được 3 năm nay, bộc bạch:

Chị Yến, chị Xế, chị Tú Anh, cô Quốc và còn biết bao nhiêu người mẹ khác đôi lúc cũng cũng chạnh lòng lắm chứ, cũng thèm khát được làm vợ, mang bầu rồi sinh con, bình thường như bao người phụ nữ khác lắm chứ.... Nhưng rồi các chị đã tình nguyện hi sinh hạnh phúc riêng tư cho những đứa con bất hạnh. Chỉ mong các con khi lớn lên, không mặc cảm tự ti bởi cuộc đời khiếm khuyết của mình mà phải sống có trách nhiệm, có ý nghĩa với xã hội này.

“Là con chim chiếc lá/Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.