Những tấm lòng thơm thảo giữa mùa dịch

(VOH) - Những tấm lòng thơm thảo như ngọn lửa trong bếp than hồng chỉ cần làn gió nhẹ thổi qua cũng giúp bùng lên mãnh liệt.

Đùm bọc, sẻ chia vốn là truyền thống bao đời của người dân Việt Nam. Trong những ngày khó khăn như hiện nay, tinh thần ấy lại càng được hun đúc và phát huy mạnh mẽ. Những tấm lòng thơm thảo như ngọn lửa trong bếp than hồng chỉ cần làn gió nhẹ thổi qua cũng giúp bùng lên mãnh liệt.

Gần đây, hình ảnh người đàn ông bán rau với dáng người khá "ngầu" nhưng có kiểu bán hàng đầy hài hước, không chỉ mang đến tiếng cười mà còn lan toả cả sự ấm áp tình người trên những trang mạng xã hội. Khách mua hàng, nhận hàng, không khỏi nhịn cười khi đọc những dòng rao bán trên những tấm bảng cacton kiểu như "xoài chua lè chua loét 5.000đ/kg, ai mua thì bán, ai sin thì cho", "rau muống đột biến 5 tỷ/1 bó, nay giảm 4,5 tỷ/1 bó, ai mua thì bán, ai sin thì cho""không đeo khẩu trang bán giá gấp đôi", "đeo khẩu trang hở mũi không thêm hành ngò"... Chủ nhân của sạp rau "bán như cho" này là anh Phạm Hồng Minh, nhưng mọi người cứ gọi quen là Minh Râu, ở Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Anh cho biết gia đình có 2 cơ sở bán rau, một cơ sở tại địa điểm dân cư có điều kiện, anh buôn bán bình thường và một điểm bán gần các nhà máy, xí nghiệp, anh thường xuyên tặng rau cho công nhân, sinh viên và những người khó khăn. Từ 7-8 năm nay mỗi lần nhập rau bán anh lại dành 10% tiền hàng mua những mặt hàng rau giá tốt để tặng cho những người cần. Số rau mua để tặng lúc nào cũng ở mức vài trăm ký. Lợi nhuận ở sạp rau này gần như không có nhưng niềm vui mang lại cho anh luôn đong đầy. Đó có thể là bữa ăn sáng được vợ chồng người từng đến nhận rau thanh toán mà mãi đến khi tính tiền rời đi anh mới được chủ quán cho biết. Đó cũng là số tiền một người lầm lỡ đã từng lấy cắp, nay mang trả anh khi biết được những việc làm đầy ý nghĩa của ông chủ sạp rau... Hay khi anh được một người phụ nữ vốn khó khăn đến cho biết nhờ những bó rau miễn phí chị đã tích cóp mua được chiếc xe đạp điện dùng để đi lại... Bó rau cho đi, những niềm vui nho nhỏ được lan toả, truyền được nguồn năng lượng tích cực cho mọi người, nên anh rất vui. "Công nhân dịp Tết được công ty thưởng cho phần quà như hộp bánh, lốc nước lại mang đến cho tôi. Tôi không nhận nhưng họ vẫn cứ để đấy rồi đi về, thấy cũng vui vui. Làm như vậy mình giúp được những người khó khăn, vừa tăng được lượng khách hàng, vừa được làm những điều mình yêu thích", anh Minh Râu chia sẻ.

Những tấm lòng thơm thảo giữa mùa dịch 1
Anh Phạm Hồng Minh tặng rau cho người khó khăn với những slogan hóm hỉnh (Ảnh: Facebook của nhân vật)

Cùng tấm lòng hướng về những người đang gặp khó khăn do dịch bệnh, nhóm bạn gồm 6 người của anh Nguyễn Xuân Hợi, ngụ tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vừa vận động, gom góp hàng trăm triệu đồng để thu mua nông sản từ bà con trong vùng hỗ trợ người dân TPHCM chống dịch. Sau gần một tuần chuẩn bị từ việc thu gom nông sản ở nhà vườn, đến điều kiện phương tiện vận chuyển, cuối tuần rồi, chuyến xe hơn 20 tấn hàng nông sản cũng đã giao được đến địa chỉ tin cậy để phát tặng cho người dân Thành phố. Anh Phạm Xuân Hợi chia sẻ, nhóm bạn cùng độ tuổi, lại cùng làm ăn chung và cùng mong muốn Sài Gòn sớm khoẻ lại, nên từ ý tưởng đến khi thực hiện triển khai rất nhanh chóng. Anh Nguyễn Xuân Hợi bộc bạch: "Chỉ mong bà con có chút quà của mình để có thêm sức chống dịch. Cuộc sống mà, mình chia sẻ thôi. TPHCM nếu vượt qua cơn dịch sẽ lại tiếp tục nâng đỡ các tỉnh lân cận, để nền kinh tế phát triển hơn. Đợt bão lũ miền Trung, nhóm cũng đi 4 chuyến thiện nguyện kéo dài cả tháng. Chỗ nào thấy cần là mình sẽ hỗ trợ."

Có công góp công, có sức góp sức, thậm chí đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, các nhóm thiện nguyện cũng không chùn bước. Đó cũng chính là cách mà nhóm thiện nguyện BĐS - "Bạn đang sống", do anh Trần Huy Đăng, Quận Bình Tân, TPHCM thực hiện và tâm niệm mỗi ngày. Với anh, làm việc thiện nguyện không chỉ bằng cái tâm, mà cần cả trí tuệ, tâm huyết, sự dũng cảm để vượt lên nổi sợ của chính mình. Ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, một mặt anh mang các thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay, đèn năng lượng... trao tặng lực lượng bộ đội biên phòng dọc biên giới. Mặt khác anh tìm cách liên hệ với địa phương, mua máy phun, nghiên cứu loại hoá chất phù hợp và xin cấp phép tham gia thực hiện công tác phun khử khuẩn những nơi xuất hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Chi phí trang bị lên đến 500 triệu đồng nhưng với anh đó là chút công sức góp phần cùng thành phố chống dịch Covid-19.

Vào những ngày này, khi số ca nhiễm Covid-19 trong Thành phố tăng cao, anh Trần Huy Đăng không ngại mang 6 chiếc xe do mình đứng tên góp vào đội ngũ xe cấp cứu chở bệnh nhân đi cách ly tại các bệnh viện dã chiến. Mỗi ngày anh và các thành viên trong nhóm đối diện với nhiều ca F0, nhưng các anh dặn nhau sát khuẩn, bảo hộ cẩn thận, để có thể bảo vệ mình và gia đình, bảo vệ người dân và chiến thắng đại dịch. Anh Huy Đăng cho biết tinh thần dùm bọc, chia sẻ ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân Việt Nam, vì vậy, dù không hề đứng ra kêu gọi, nhưng không ít người theo dõi hoạt động của hội đã âm thầm đóng góp vào tài khoản để hội duy trì hoạt động. "Người dân Sài Gòn luôn được biết đến bởi sự đùm bọc, yêu thương và chia sẻ. Đồng tiền của người dân Sài Gòn cũng chạy khắp cả nước để phát triển kinh tế và chia sẻ. Khi Thành phố bị tổn thương, người dân thành phố cũng âm thầm chia sẻ lẫn nhau, đồng thời cũng nhận được không ít sự chia sẻ của nhiều vùng miền khác. Các tỉnh cũng chung lòng chung sức, vận chuyển rau củ quả, thực phẩm... để chia sẻ cùng người dân Sài Gòn. Điều đó thật đáng quý, tình yêu thương đó luôn được lan toả",  anh Đăng nói.    

Những tấm lòng thơm thảo giữa mùa dịch 2
Nhóm thiện nguyện BDS thực hiện phun khử khuẩn sau khi chở bệnh nhân Covid -19 đến khu cách ly điều trị - Ảnh chụp màn hình

Trong khó khăn những con người vốn dĩ bình thường nhưng họ đã làm nên những điều phi thường khi xây dựng nên những "tượng đài" của lòng nhân ái, của tình yêu thương. Bằng sự sẻ chia, cảm thông cho người khác, họ đã vượt qua những toan tính, lo lắng thường tình để góp công góp sức cùng cả nước chống dịch. Như trái bầu, trái bí trên giàn, những người con đất Việt luôn gắn bó, yêu thương và tạo nên những điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của cộng đồng.