Nội quy hà khắc gây mất ổn định tình hình quan hệ lao động

<b>Bài 1: Những bức xúc từ hình thức quản lý nghiệt ngã </b><br><br> (VOH) - Thời gian qua, việc quản lý công nhân tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM đã xảy ra không ít vấn đề bất cập gây bức xúc cho người lao động. Hàng loạt công nhân muốn rời bỏ công ty vì sự đối xử hà khắc và mất niềm tin vào những lời hứa của doanh nghiệp. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực hòa giải. Loạt phóng sự “Nội quy hà khắc gây mất ổn định tình hình quan hệ lao động” đề cập đến vấn đề này.

Ở nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, việc quản lý công nhân phần lớn bị áp đặt bằng các quy định riêng do công ty tự đặt ra. Trong đó có không ít nội quy trái pháp luật Việt Nam và không hợp lòng người như: cấm và hạn chế thời gian đi vệ sinh trong giờ làm việc, buộc đội nón và đăng ký thẻ khi đi vệ sinh hay thậm chí là phạt thẻ vàng, thẻ đỏ trừ lương, đuổi việc khi công nhân vi phạm quy định. Song, vấn đề cần nói ở đây chính là công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã không làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình, thậm chí là thiếu dũng khí trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây bức xúc và dẫn đến những cuộc ngừng việc tập thể tự phát. Vì vậy, có hai vấn đề đặt ra đó là lương tâm, đạo đức của chủ doanh nghiệp khi đối xử với công nhân và công đoàn cơ sở phải đủ mạnh để bảo vệ người lao động, làm cầu nối để hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Sự việc hơn 900 công nhân của công ty Shilla Bags Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc, tọa lạc tại 162/2 quốc lộ 1A, P.Thạnh Xuân, Q.12 ngừng việc tập thể để đòi quyền đi vệ sinh xảy ra mới đây, như giọt nước tràn ly về những bức xúc của người lao động đối với cách quản lý hà khắc tại doanh nghiệp.

Theo nhiều công nhân, chuyện đi vệ sinh là quyền và nhu cầu cơ bản nhất của con người nhưng công ty lại đưa ra quy định khống chế số lần và giờ đi vệ sinh trong mỗi ca làm việc. Cách quản lý này diễn ra từ rất lâu nhưng đỉnh điểm châm ngòi cho cuộc ngừng việc là từ đầu năm 2014 đến nay khi công ty càng siết chặt hơn khiến công nhân trở nên bức bách, khổ sở, không thể chịu đựng nổi.

Một công nhân cho biết: “Người phụ nữ chẳng lẽ ngồi trong 4 tiếng rưỡi đồng hồ mà đi vệ sinh chờ thẻ nữa. Hai chuyền là 100 người mà chỉ có 3 cái thẻ, một tiếng đồng hồ làm gì đến phiên mình đi được. Giành qua giành lại thiếu điều muốn đánh nhau luôn cả trong chuyền luôn. Nhiều khi chướng lên không chịu nổi, khóc luôn, năn nỉ, quản lý thẻ không cho là không cho, khi nào có thẻ mới được đi. Nếu mà người nào đi không thẻ thì phạt thẻ vàng, phạt năm chục ngàn, hai thẻ vàng là 1 thẻ đỏ đuổi ra khỏi công ty. Nên tụi em rất là bức xúc.”


Thật ra, trong thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp tại TP.HCM áp dụng biện pháp quản lý công nhân tương tự như công ty Shilla Bags Việt Nam. Đến khi công nhân phản ứng và ngành chức năng kiểm tra thì họ biện minh rằng, đó là nội quy riêng của công ty. Việc khống chế số lần đi vệ sinh được một số công ty bao biện là nhằm quản lý và đảm bảo giờ giấc làm việc của tất cả công nhân. Có nhiều công nhân lợi dụng chuyện đi vệ sinh để trốn việc, lãn công, nên công ty mới áp đặt như vậy nhằm tạo sự công bằng trong tất cả công nhân.

Tuy nhiên, lời biện minh này bị công nhân phản ứng kịch liệt. Thực tế việc đi vệ sinh đã có người quản lý, ghi chi tiết từng phút, nhà vệ sinh lại rất hôi vì luôn trong tình trạng thiếu nước, hỏng hóc...chẳng ai muốn ngồi ở nhà vệ sinh 1 phút trừ khi có “nhu cầu” thực sự. Và quy định khống chế số lần đi vệ sinh trong ca, ngày làm việc là vi phạm đến nhu cầu tối thiểu nhất của người lao động.

Có nhiều cách để quản lý giờ giấc làm việc của công nhân chứ không nhất thiết áp đặt lên nhu cầu tối thiểu đó. Trên thực tế nhiều công ty còn đưa ra quy định, nếu công nhân vi phạm số lần đi vệ sinh sẽ bị trừ lương và vi phạm nhiều lần sẽ bị đuổi việc. Trước đây, một công ty 100% vốn Nhật Bản ở KCX Tân Thuận (Q.7) cũng đưa ra quy định vô lý này. Công ty yêu cầu công nhân khi đi vệ sinh phải đội chiếc mũ có màu cam trên đầu để quản lý  giám sát, nếu ai không thực hiện sẽ bị trừ lương và đuổi việc.

Nhưng trên thực tế, công ty chỉ phát cho mỗi phân xưởng hơn 100 người có 4 chiếc mũ mà thôi. Nhiều người có nhu cầu không đợi được đến lúc có mũ để đội nên để đầu trần đi vệ sinh và đã bị lập biên bản, bị trừ lương. Việc này đã gây bức xúc trong công nhân. Đại diện 1 công nhân giãi bày: “Nói chung là em không đồng ý cái kiểu quản lý đó. Cứ cho là công nhân lợi dụng chuyện đi ra ngoài để đi vệ sinh để lãng phí cái giờ công thì thiếu gì cách để quản lý giờ giấc ra ngoài. Đâu có việc gì phải cấm người ra đi vệ sinh như vậy được. Người ta đang có nhu cầu mà bắt người ta phải chờ đợi có giờ có giấc như cái kiểu đó được. Cho nên công nhân bức xúc”.


Trước việc khống chế số lần và quy định giờ đi vệ sinh đã khiến nhiều công nhân vì sợ trừ lương, sợ bị đuổi việc đành chọn giải pháp nín, nhịn và không dám uống một giọt nước nào trong suốt 1 ca làm việc. Thậm chí, nhiều công nhân còn cho biết, họ cũng không dám ăn canh trong suất ăn giữa ca vì sợ không thể nhịn được. Song không phải công nhân nào cũng có thể chịu đựng được lâu.

Mới đây, trước khi xảy ra ngừng việc vài ngày, ở công ty Shilla Bags Việt Nam xuất hiện tình trạng 1 nữ công nhân mới vào làm đã không nín nhịn được, chạy đến xin phép quản lý để được đi vệ sinh nhưng không được chấp nhận, nữ công nhân ấy ôm mặt khóc tức tưởi. Còn trước đó, đã xảy ra tình trạng nhiều nữ công nhân bị đau bụng, nín nhịn lâu gây trướng to phải đưa đi cấp cứu.

Ở hầu hết các công ty may da giầy, quần áo hay bao lô, túi xách, tỷ lệ công nhân nữ chiếm hơn 70%, cá biệt có một vài công ty lên đến 90%. Do đặc thù là lao động nữ, ngoài chuyện nhu cầu được đi vệ sinh thì hằng tháng trong những ngày của phụ nữ, họ còn có nhu cầu để vệ sinh cá nhân nữa. Nhưng việc công ty quản lý khắc nghiệt và nhu cầu chính đáng ấy không được giải quyết đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý của nữ công nhân lao động.

Một nữ công nhân lo lắng: “Vấn đề đi vệ sinh, tụi em có nhu cầu đi giải quyết thì phải được tự do cái khâu đó. Quản lý nghiêm ngặt giờ giấc của em quá thì tụi em sẽ bị ức chế, tinh thần không tốt, đầu óc nó không thoải mái thì không thể nào làm việc được. Bình thường cơ thể con người cần ít nhất 2 lít nước mỗi ngày mà quản lý nghiêm ngặt giờ giấc quá thì tụi em không đi uống nước. Cấp quản lý nên suy nghĩ lại để tụi em được thoải mái hơn trong sinh hoạt, trong giờ làm viêc.”


Lo lắng của công nhân là có cơ sở khi mà trong những lần khám sức khỏe định kỳ tại nơi làm việc, tỷ lệ công nhân bị các hội chứng bệnh về thận, đường tiết niệu tăng cao. Và cũng từ chuyện quản lý theo quy định riêng quá đáng của doanh nghiệp đã cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động còn bị xem nhẹ, thiếu sự bảo vệ.

Doanh nghiệp tùy tiện đưa ra quy định không hợp tình, hợp lý và không thực hiện tốt các chính sách dành riêng cho lao động, đặc biệt là lao động nữ theo quy định của pháp luật, đã trực tiếp làm ảnh hưởng tới sức khỏe và gây ra những bức xúc cho người lao động.

(còn tiếp)