Phát triển rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

(VOH) - Ngày 17/3 tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị do Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: internet

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ cụ thể trước mắt là khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản, bồi hoàn giá trị hệ sinh thái rừng.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định. Gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Cả nước, mỗi địa phương phải xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực để tập trung bảo vệ, phát triển, đầu tư một cách bền vững.

Bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân.

“Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến”, Phó Thủ tướng nói.

Việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp phải được thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế.

“Doanh nghiệp tạo đầu vào cho người dân, liên kết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, do đó họ phải được đặt vào vai trò trung tâm của liên kết chuỗi sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai hiệu quả, chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản.

“Đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, nhưng phải luôn lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một yêu cầu quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ, phát triển rừng.