Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phấn đấu đến 2020, nợ công khoảng 60,2% GDP"

(VOH) - Hôm nay (17/11) kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 bước vào tuần làm việc thứ 5. Quốc hội dành 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên chính phủ.

Mở đầu phiên làm việc sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội từ sau lần báo cáo trước (kỳ họp thứ 6) đến nay.

Báo cáo tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, những năm qua Chính phủ luôn quan tâm, bố trí ngân sách nhà nước, thực hiện nhiều chính sách, tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Chính phủ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4,2%, tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%.

Báo cáo về các vấn đề nợ công, nợ chính phủ mà nhiều đại biểu quan tâm từ đầu kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết những tập trung của Chính phủ trong thời gian tới: "Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công, tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công, phấn đấu đến 2020, nợ công khoản 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lã Anh - SGGP.

Sau khi nghe báo cáo, đại biểu Trần Du Lịch – đoàn TPHCM cho rằng bài toán nông nghiệp hiện còn nhiều khó khăn, nếu không thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, không đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì bài toán nông nghiệp sẽ còn nan giải: "Để giải bài toán tại sao mỗi năm cần 6 triệu tấn ngô để chăn nuôi nhưng chủ yếu phải nhập. Theo tôi vì ngô sản xuất trong nước giá cao hơn giá nhập khẩu. Với 200.000ha ngô hiện có ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo, nhưng không bán được. Nếu không thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, không đưa khoa học công nghệ vào được, không giảm giá thành được thì không giải quyết được bài toán này. Như vậy vấn đề nông nghiệp ở đây là vấn đề tổ chức phương thức sản xuất".

Đối với các sự cố xảy ra thời gian qua như sập mỏ đá, sập cầu treo,… các đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi vì sao nhiều việc xảy ra trong thực tiễn, xảy ra rồi mới chỉ đạo rà soát. Điều này chứng tỏ công tác quản lý Nhà nước trước đó còn lỏng lẻo.

Đại biểu Phạm Đức Châu – đoàn Quảng Trị cho rằng muốn nâng cao hiệu quả cần đánh giá sâu hơn các vấn đề xã hội, nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án, công trình dân sinh: "Quản lý Nhà nước đã đi chậm, đi sau. Để tránh hiện tượng này, cử tri mong muốn công tác quản lý Nhà nước phải qua tổng hợp dự báo tình hình, công tác thanh tra kiểm tra, đừng để sự việc xảy ra rồi mới rà soát. Thứ hai, Chính phủ cần tập trung đánh giá thực chất hiệu quả các chương trình, dự án".