Phóng sự bảo vệ rừng- Bài 1: Cho rừng mãi xanh

(VOH) - Giẫm nhè nhẹ lên những thảm lá mục màu nâu vàng giữa cánh rừng bạt ngàn, có lẽ, không nơi đâu cho chúng tôi cảm giác thanh bình, êm ả như khi về rừng Cần Giờ. Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Thành phố hiện TP.HCM có ba loại rừng rất rõ rệt: rừng ngập mặn ở Cần Giờ, rừng mưa ẩm nhiệt đới ở Củ Chi, và rừng đất phèn Bình Chánh. Trong số hơn 41 nghìn hecta đất rừng của TP.HCM, TP tập trung chủ lực phát triển rừng ngập mặn ở Cần Giờ với hơn 35 nghìn hecta; 5.000 hecta rừng ở Củ Chi, Bình Chánh và một ít ở Thủ Đức mà chủ yếu là của người dân, tập trung trồng cây trồng phân tán trên đất nông nghiệp, đa số là tràm và một số loại cây khác phù hợp với đất phèn và đất ẩm nhiệt đới.
Rừng ngập mặn Cần Giờ.ảnh: VFEJ

Ông Nguyễn Đình Cương cho biết, ngay từ những ngày đầu giải phóng, TP.HCM đã có lộ trình quy hoạch, phát triển hệ thống rừng và cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Với đất ẩm nhiệt đới ở Củ Chi, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã xây dựng vườn thực vật Củ Chi, ở đó, sưu tầm tất cả các loài thực vật của các loại cây rừng của miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt có các loại cây quý hiếm như: Gõ Đỏ, Cẩm Lai, Gõ mật, Giáng Hương…Theo ông Cương, vườn thực vật này sau này sẽ trở thành điểm đến của khách du lịch, tham quan nghỉ dưỡng, phục vụ cho nghiên cứu khoa học…Ngoài ra, ở Bình Chánh có trạm nghiên cứu Tân Tạo, cũng sưu tầm và phát triển các loài cây sống được ở đất phèn như tràm Úc, tràm Chua, mù u, trâm sắn, sao xanh… Hiện nay, sao xanh có giá trị kinh tế rất cao cũng đang được đưa về nghiên cứu tại đây.

Riêng với rừng ngập mặn Cần Giờ, từ khi còn là vùng đất sình lầy, mỗi năm, ông Cương cùng anh em về các nông trường ở Cà Mau để thu mua trên 1.500 tấn trái giống, trồng khoảng 3-4 nghìn hecta, và mỗi mùa trồng rừng như vậy, phải điều động khoảng 5-6 nghìn nhân công của nhân dân 7 xã để tập trung trồng rừng. Mùa trồng rừng bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9. 1 hecta cứ trồng khoảng 10 nghìn cây đước, và sau hai tháng lại nghiệm thu một lần. Ông Nguyễn Đình Cương, Chi Cục trưởng

Chi Cục Kiểm Lâm TP.HCM tâm sự:

Buổi trưa oi nồng bên cánh rừng ngập mặn, gió từng đợt lùa qua những vạt đước khô trơ cành nghe xào xạc, ngồi khề khà với chúng tôi bên tách trà, ông Phan Văn Hương, năm nay đã gần 63 tuổi, ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ cười xuề xòa, chân chất, ông bảo: “Không biết Nhà nước nghiên cứu sao mà từ hồi cắm trái đước chừng một gan tay ở Cà Mau đem về đến giờ, nó lên rất tốt”. Ông Hương là 1 trong 10 hộ giữ rừng đầu tiên từ những năm 90, ông kể: Cả xã Tam Thôn Hiệp lúc bấy giờ tham gia trồng đước hết để kiếm cơm. Ghe chở trái đước về từng đợt cả trăm tấn lận. Cả nhà ông Hương 5 người thì đi trồng rừng hết cả 5. Nhà ông nhận 5 cái túi đựng trái đước khoảng 2 tấc, to bằng ngón tay, chia mỗi người một túi đem đi cặm ở những bãi đất lầy.

Khi cây đước lớn thì gia đình ông cũng nhận khoán giữ cả 100 hecta rừng. Ông bảo hồi xưa người ta chặt cây rừng nhiều lắm, nên việc giữ rừng lúc đó vô cùng gian nan. Mà hồi đó toàn bà con quen biết trong xã mình không à! Người ta chặt cây mắm, chủ yếu về chụm củi hoặc bán lấy gỗ. Có lần ông bắt gặp người hàng xóm vào chặt mắm ngay cánh rừng ông nhận giữ. Cũng thật khó xử, nhưng ông dùng cái tình để khuyên nhủ. Ông thủ thỉ: “Nói thật với anh Tư là tôi có trách nhiệm giữ khu rừng này. Gia đình tôi cũng khốn khó lắm mới vô đây giữ rừng này để kiếm chén cơm. Tôi biết mấy anh cũng nghèo mới vô đây chặt cây rừng kiếm sống, nhưng anh làm vầy cũng khó xử cho tôi. Thôi đừng chặt nữa anh Tư hen”. Nghe ông nói có tình có lý, ông Tư cũng thấy áy náy, ông bảo: “Thôi anh Hương bỏ qua cho tôi lần này, tôi cũng mắc cỡ với anh quá! Lần sau không làm vầy nữa…”.

Đó là những khi gặp “người quen” chặt cây rừng, còn người từ nơi khác đến thì cũng khó thuyết phục bằng tình cảm. Có lần hai đứa con ông đi thăm rừng, phát hiện người ở Gò Công đưa ghe xuồng vào rừng chặt cả trăm cây đước. Một đứa ở lại canh chừng, đứa kia chạy về báo với ông. Ông kể, “lúc đó tôi đang ở nhà, nghe tin có người vào phá rừng, tôi quýnh quáng, run lên, lật đật cùng vợ chèo ghe lên phân khu để báo, vừa chèo vừa lo. Cũng may phân khu cử người vào kịp thời”.

Ông Hương tâm sự: Ngày trước, người ta đốn dà, mắm vào ban ngày nhiều, nhưng giờ thì bớt nhiều rồi, mà có đốn, cũng chỉ vào ban đêm. Ông bảo, mình không có ngày Chủ nhật nào hết, “ăn ngủ ngoài rừng, ngoài sông. Đậu ghe ngủ. Bởi vì người ta phá rừng, cũng theo dõi mình, nên mình ngủ ở chốt là không ổn”. Lúc nào trong đầu ông cũng chỉ nghĩ về rừng, chỉ khi ngủ mới tạm quên thôi. “Chén cơm của tụi tôi mà, hai mẫu ruộng cũng chưa bằng” - ông Hương nói tếu táo. “Ruộng phải phân bón này nọ, còn giữ rừng chỉ bỏ công ra thôi. Cứ 3 tháng, tôi qua Ban quản lý lãnh lương một lần. Đời sống đảm bảo nhiều chớ! Như ghe máy chạy tốc độ nhanh, nhà cửa xây khang trang giữa rừng, lương theo giá thị trường đủ ăn, dư luôn”. Mới đây, Thành phố điều chỉnh tăng tiền khoán đối với các hộ giữ rừng phòng hộ Cần Giờ với mức bình quân 1.156.000 đồng/hecta/năm. Và mức này cũng thuộc diện cao nhất cả nước.

Hiện các hộ nhận khoán cũng có tổ tự quản, cứ chiều chiều vậy, một xuồng đi tuần tới 6, 7 người cũng vui lắm. Ông bảo nhờ rừng mà gia đình ông mới có được cuộc sống ấm cúng, đủ đầy. Không khí ở đây trong lành, nên cả gia đình đều khỏe mạnh. Ở nhà cũng như ở rừng, cây cối che phủ hết, rất mát mẻ. Bao thế hệ nhà ông, từ ông, đến con, rồi đến dâu thay nhau nhận khoán giữ rừng…Ông thường nhắc nhở các con phải trân quý rừng, dạy các con biết tầm quan trọng và giá trị của rừng. Mà cũng nhờ bám rừng mới nuôi sống cả nhà. Ông Nguyễn Văn Hương nói:

Gần 30 năm gắn bó với rừng Cần Giờ ngay từ khi cánh rừng chưa thành hình, ông Cát Văn Thành, Phó Ban Quản lý rừng Phòng hộ Cần Giờ nhớ lại: Điều kiện lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn. Người dân đi trồng rừng rất khổ, phải đi theo con nước, đợi nước ròng xuống, lộ bãi đất lầy thì mới cắm trái đước được, mà canh con nước như thế có khi 2, 3 giờ sáng lại phải dậy đi trồng rừng. Cuộc sống cơ cực trăm bề, tiền công chỉ được trả bằng gạo và dầu. Lúc bấy giờ, ông Thành phụ trách việc hướng dẫn bà con trồng rừng, đi thu mua giống trái đước ở Cà Mau, làm các biện pháp kỹ thuật tỉa thưa cho rừng phát triển. Ông Cát Văn Thành, Phó Ban Quản lý rừng Phòng hộ Cần Giờ nói:

Tuy nhiên, ông Thành cho biết: công tác tỉa thưa cũng tạm ngưng từ năm 1999 đến nay. Hiện các nhà Khoa học trong ngành Lâm nghiệp đang kiến nghị TP.HCM cho tác động kỹ thuật lâm sinh trở lại trên cánh rừng ngập mặn. Ông Thành lý giải: Hiện nay, rừng đã khép tán và bắt đầu có dấu hiệu suy thoái, phải tác động kỹ thuật lâm sinh để rừng phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu không sẽ sinh sâu bệnh, rừng sẽ tàn lụi đi, các hệ khác phát triển rất chậm. Về việc tác động như thế nào, mật độ tỉa thưa ra sao thì đã có các nhà khoa học nghiên cứu, nghiên cứu luôn cách quản lý, phát triển rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu…Sắp tới, các nhà khoa học trong ngành Lâm Nghiệp cũng đang xây dựng các phương án để chuyển hóa khu rừng ngập mặn này thành khu rừng đa dạng sinh học, nhiều tầng tán, có độ bền vững cao, và hiệu quả về mặt sinh thái môi trường./.