Phóng sự: Những người sống mãi với năm tháng hào hùng

(VOH) - Những ngày này, cả nước đang hướng về ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN (20/12/1960). Dưới ngọn cờ chính nghĩa của Mặt trận ngày ấy đã huy động được các nguồn lực trong dân: từ giới nhân sĩ trí thức yêu nước, công, nông, binh, đến các Tôn giáo, dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh bật sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ Ngụy quyền tay sai, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước…

Chúng tôi đã gặp và nghe những nhân chứng lịch sử kể về những ký ức hào hùng năm xưa như: Mẹ Việt Nam Anh Hùng Bùi Thị Mè, Luật sư Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Hữu Nhựt… Họ - những người đã từng giữ nhiều vị trí chủ chốt quan trọng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN ngày ấy, từng song hành với đất nước trong thời kỳ đấu tranh gian ác liệt, gian khổ.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN, phong trào chống Mỹ, đòi quyến dân tộc tự quyết, đòi hòa bình nổi lên. Nhiều nhân sĩ trí thức mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, dấn thân vào cuộc kháng chiến không biết ngày mai sẽ ra sao. Đã từng ở chiến trường Đồng bằng Sông Cửu Long hơn 1 năm trời, bị bắt mấy lần, bom đạn suốt đêm ngày dội trên đầu và trốn thoát được, Ông Hồ Hữu Nhựt - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hào sảng kể với chúng tôi trong tiếng chuông gió leng keng của những ngày gần cuối năm tại số nhà 101/52 Lê Văn Lương, xã Phước Kiễng, huyện Nhà Bè. Lặng trong hồi ức của ông, chúng tôi như thấy được thời đạn lạc, bom rơi; thời ông còn sức trẻ, dù rằng bây giờ, ông đã về hưu và vẫn âm thầm hỗ trợ công tác Mặt trận từ những trải nghiệm, sáng kiến của mấy mươi năm gắn bó với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và trong Chính phủ Lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam

Ông bảo những năm 1969 - 1970, Chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man sinh viên học sinh, ông cùng các đồng chí trong Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam lúc bây giờ luôn khuấy động phong trào, kêu gọi trí thức tham gia Cách mạng. Song song đó, ông tổ chức dạy bổ túc văn hóa ở cơ quan cho anh em, xây dựng nền giáo dục vùng giải phóng. Thời đó, việc học cũng rất khó khăn. Học sinh vừa kéo vè, vừa cất giấu sách vở trong thùng đại liên ở dưới sình khi thấy địch đi qua, sau đó thì lấy lên học tiếp. Thầy phải chui dưới hầm bí mật để dạy. Những vùng sâu, địch vào không được thì việc dạy và học có phần dễ dàng hơn. Các vùng căn cứ thì cán bộ các cơ quan vừa học vừa làm, sáng học khoảng 2 tiếng trước khi làm việc. Những đơn vị pháo thì các anh học trên trận địa pháo, trên chiến hào. Và ở Trung ương cục có cả nhà in in sách giáo khoa, có trường sư phạm dạy học cho con em cán bộ. Ông mãi không quên hình ảnh một cô giáo đã hy sinh chỉ vì lấy thân mình che cho một sinh khỏi bị pháo bắn. Ông Hồ Hữu Nhựt nói:


Sau giải phóng, Ông tiếp tục tiếp quản đội ngũ giáo viên cũ, bồi dưỡng nghiệp vụ, định hướng quan điểm giáo dục… giữ cho nền giáo dục của Miền Nam vẫn liên tục không bị gián đoạn.

Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi đã nghe nhiều ký ức, kỷ niệm đẩy chất bi tráng và anh hùng của một thế hệ thanh niên yêu nước thời đất nước còn gian lao và đầy bom đạn. Cũng như ông Hồ Hữu Nhật, Luật sư Lê Hiếu Đằng lúc đó vốn là Phó Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Sài Gòn, đã tập hợp được các giới ở các thành thị Miền Nam, trong đó có Sài Gòn Gia Định đưa phong trào đấu tranh đi lên. Trong hoàn cảnh đó, tổng công kích Mậu Thân đến, Luật sư Lê Hiếu Đằng được điều vào chiến khu và tham gia vào Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ hòa bình VN với chức vụ Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh. Đây là lần đầu tiên ông tham gia vào công tác Mặt trận. Nói về ý nghĩa sự ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN, Luật sư Lê Hiếu Đằng nhấn mạnh:


Những tính cách cao đẹp, tinh thần chiến đấu quật cường của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Thanh Nghị … và còn rất nhiều nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ngày ấy đã trở thành lịch sử, huyền thoại. Họ đã từng kề vai sát cánh với các nhân sĩ Trí thức yêu nước của miền Nam và trong tim Luật sư Lê Hiếu Đằng mãi mãi khắc sâu chí khí kiên cường, tinh thần chiến đấu vì độc lập dân tộc của những nhân sĩ trí thức tên tuổi, vốn có cuộc sống vật chất dư dả, đã từ bỏ thành thị và mái nhà yên ấm, để đi vào chiến khu, dấn thân vào con đường cách mạng gian khổ ác liệt. Luật sư Lê Hiếu Đằng nhớ lạị: những ngày hành quân đi suốt đêm ngày lẫn đêm mệt lả. Ngày nắng cháy da cháy thịt, đêm xuống sương rơi lạnh thấu người. Cánh đồng “chó ngáp” ngày xưa lại hiện về trong tâm trí ông. Ngày đó ông mới 24 tuổi, sức trai vậy mà cũng chịu không nổi, nhưng phải gắng gượng mà đi. Ông nói với chúng tôi: lúc đó các những trí thức ở các đô thị miền Nam ra chiến khu tham gia kháng chiến đã quyết tâm vượt mọi gian khổ. Họ cũng như ông đã hành quân đạp rừng băng suối đêm ngày bằng cái đầu, bằng ý chí chứ không chỉ bằng đôi chân

Những tấm ảnh đen trắng ngày xưa của cô nữ sinh Áo tím rất dịu dàng, duyên dáng vẫn còn rất rõ nét dù đã mấy mươi năm trôi qua vẫn được Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè cất giữ cẩn thận. Và bây giờ, hình ảnh ấy đã thay bằng chân dung người phụ nữ tóc bạc phơ với gương mặt phúc hậu, những nếp nhăn trên trán có phần dày thêm, giọng nói hơi yếu đi, nhưng ánh mắt và nụ cười hiền từ của Mẹ vẫn thế dẫu rằng bây giờ, Mẹ đã bước vào tuổi 90.

Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên thứ Trưởng Bộ Y tế Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cười hiền từ, gần gũi, nhưng cốt cách vẫn còn tinh anh lắm. Đó là những gì chúng tôi có thể cảm nhận được khi trò chuyện với Mẹ - người cán bộ Cách mạng lão thành đã có những năm tháng nằm gai nếm mật, song hành cùng đất nước trong những giai đoạn gian khổ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về những chiến lược thông minh và nghĩa cử cao đẹp, kiên cường, của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người đứng đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN ngày ấy. Có một câu mà Mẹ nhắc mãi: “Đảng ta lãnh đạo giỏi lắm, thông minh lắm, người dân Việt là mỗi một anh hùng ”. Bởi Mẹ đã đi qua những năm tháng chiến tranh ở các chiến trường, đạn lạc, bom rơi. Đã đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, không tả xiết nỗi gian nan hiểm nguy của những ngày băng rừng, vượt suối hoạt động Cách mạng. Và Mẹ biết ơn vô bờ đối với sự thương yêu, đùm bọc, hết lòng chở che của nhân dân với Cách Mạng. Mẹ VN Anh hùng Bùi Thị Mè, Nguyên Thứ trưởng Bộ y tế Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xúc động nói:


Suốt 15 năm hoạt động Cách mạng trong lòng địch, mẹ Bùi Thị Mè làm Ủy viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Tây Nam Bộ đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Bà kể với chúng tôi : "Có lần, có ông đứng đầu trong tôn giáo cũng đã lớn tuổi, nhưng nhiệt tình cách mạng vẫn cháy hừng hực. Ông đi đêm, đi hôm hoạt động bí mật. Trời khuya lạnh mà trên người ông chỉ khoác tấm áo phong phanh, sờn bạc. Thời tiết những ngày đó lạnh thấu xương, thấy ông run lập cập thì thắc mắc hỏi: “Trời lạnh thế này, bác đi đâu?”. Ông mỉm cười, nói: “Bác đi làm cách Mạng”. Câu trả lời đơn giản, dễ dàng vậy mà sao nghe cảm động, thấm thía quá đỗi!

Nửa thế kỷ đi qua, nhưng những nhân chứng lịch sử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN như: Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, Luật sư Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Hữu Nhật… và còn rất nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đã được lịch sử ghi dấu và tri ân. Chính thế hê trí thức, nhân sĩ yêu nước của miền Nam thời kháng chiến đã cho tôi hình dung về một ký ức hào hùng, về một khát vọng độc lập dân tộc luôn bùng cháy mãnh liệt trong mỗi con người Việt Nam…

Từ lý tưởng của Đảng soi đường, từ sự trưởng thành trong gian khổ đã hun đúc cho thế hệ cha anh một ý chí quật cường, tinh thần kiên định và lòng yêu nước sâu sắc. Đó là động lực thôi thúc họ đem trí lực, tài lực dâng hiến cho Dân tộc và nhân dân

Lệ Loan