Phóng sự: Tật mang vì “Bác sỹ Google”

(VOH) - Ngày nay, có nhiều người xem trang Google như là một địa chỉ tin cậy khi muốn tìm hiểu bất cứ thông tin y khoa nào, thậm chí thông qua đó tự chẩn đoán và điều trị bệnh theo những hướng dẫn được đăng tải trên đó. Nghi mình bị đái tháo đường qua những triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, giảm cân lập tức lên mạng tìm hiểu về triệu chứng cùng với tên dược phẩm điều trị. Còn có không ít người còn lên mạng sưu tầm các bài thuốc thần dược từ cây cỏ và tự điều chế để tăng cường sinh lực, không chỉ chữa bệnh cho mình mà còn giới thiệu cho nhiều người sử dụng.
Thông tin y khoa trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo, phòng bệnh.

Như trường hợp của ông Nguyễn Quang Xuân, nghe đâu trên internet hướng dẫn uống củ quy rừng sẽ chữa được bệnh sỏi thận, vậy là ông vào rừng đào về đem sao vàng sắc lên uống và bị thổ ra huyết tươi rất nguy kịch phải đi cấp cứu.

Còn ông Nguyễn Quang Vần cũng tự cho mình là người có chút am hiểu về y khoa cho hay: Bây giờ hiện đại rồi, cứ lên mạng là bệnh lý gì cũng có, muốn biết bệnh mình ra sao chỉ cần gõ mấy chữ là khỏi cần phải xếp hàng cả buổi trời chen lấn, chờ đợi mà bác sĩ lại chỉ khám qua loa, có cho mình hỏi đâu. Còn trên mạng thì tư vấn rất tỉ mỉ, đọc là thấy triệu chứng giống bệnh của mình rồi, ông cũng từng kê toa cho cả bạn bè, bà con lối xóm, nhưng cuối cùng thì ông cũng phải đến bệnh viện cầu cứu bác sỹ:



Mới đây anh Trần Văn Trường cũng phải nhập viện do sử dụng Aspirine, thuốc cảm liều cao vì “nghi” là bị cảm sốt nhưng... để chữa bệnh sốt xuất huyết. Sau hơn 3 ngày tự điều trị, bệnh không khỏi mà còn bị sốt mê man. Đưa đến bệnh viện cấp cứu các bác sỹ cho hay anh bị sốt xuất huyết và số thuốc trên đã tổn hại các màng nhầy ở dạ dày và hệ tiêu hóa dẫn đến bị viêm loét, xuất huyết ở hệ tiêu hóa:



Cá biệt, có trường hợp sau khi đi khám bệnh ở bác sỹ rồi, lại về mày mò lên mạng tìm hiểu thêm lại thấy bệnh của mình không giống như bác sỹ chẩn đoán, vậy là không tin bác sỹ nữa mà cho là trên mạng nói đúng hơn, tự ý thay đổi cách điều trị. Và hậu quả như thế nào không nói ra chắc ai cũng đoán được. Còn có nhiều trường hợp không hề có bệnh nhưng do đọc quá nhiều thông tin y khoa trên mạng rồi mắc bệnh tưởng, cho rằng mình mắc đủ thứ bệnh vì đọc thấy triệu chứng nào cũng giống với mình quá.


Bác sỹ Hồ Hoàng Tuấn - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kể, trong nhiều năm tham gia khám chữa bệnh, không ít lần gặp trường hợp bệnh nhân tự lên trên mạng đọc rồi mua thuốc điều trị. Nhất là những người mắc các bệnh thầm kín như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà… họ ngại đi khám, lên mạng tìm những triệu chứng giống mình và tự chữa lấy. Có trường hợp một bệnh nhân nam bị lậu, tiểu ra mủ, anh này cũng lên mạng tìm thuốc uống, sau một thời gian thì thấy cũng hết bệnh, nhưng không hề biết đã làm bệnh chuyển qua mãn tính, sau này lập gia đình thì vợ và đứa con sinh ra cũng bị lây bệnh. Theo bác sỹ Tuấn thì hiện nay những thông tin về bệnh trên mạng thường kèm theo quảng cáo một số thuốc điều trị của công ty hay cơ sở nào đó, khiến người bệnh nhầm tưởng thuốc đó có tốt thì người ta mới giới thiệu:



Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cũng cho biết thêm, nhiều bệnh nhân cứ có biểu hiện sốt, lạnh run, sổ mũi là nghĩ ngay đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống đến khi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, vàng da chuyển đến bệnh viện chẩn đoán là bị sốt rét ác tính thì đã muộn vì đã có biểu hiện của biến chứng não và tổn thương gan mật. Thường gặp nhiều nhất là bệnh nhân bị đau bụng do viêm ruột thừa nhưng không biết nên tự mua kháng sinh uống. Việc uống kháng sinh bừa bãi sẽ làm cho tình trạng viêm ruột thừa không phát triển tràn lan, mà làm thành áp xe tạo thành đám quánh ruột thừa trong ổ bụng, gây viêm phúc mạc toàn thể, dẫn đến tử vong:



Với thực tế trên, rõ ràng cách tốt nhất khi có bệnh là hãy tìm đến bác sỹ để được tư vấn và có hướng điều trị tốt nhất. Vì khi đặt bút kê đơn bác sỹ bao giờ cũng phải hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng và các bệnh có liên quan để cân nhắc sử dụng các loại thuốc thích hợp tránh các tai biến do thuốc. Ngoài ra, người bệnh còn được hướng dẫn cách theo dõi và xử lý khi có tai biến xảy ra.

Vẫn có những cách giúp người bệnh tự phát hiện những bất thường trong sức khỏe, nhưng việc tự kê đơn hay quá phụ thuộc vào intrernet là một việc làm rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Chưa kể thói quen tự khám bệnh cho mình, tự mua thuốc điều trị, dùng thuốc không cần đơn của bác sĩ đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh, một hiểm hoạ trong điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và chưa có thuốc điều trị. Do đó, người bệnh cần tỉnh táo trong việc chắt lọc các thông tin trên internet theo hướng có lợi nhất cho bản thân. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, hãy biết trân trọng và gìn giữ bằng cách thăm khám trực tiếp bởi những bác sỹ thực thụ, việc tin tưởng một cách tuyệt đối vào "bác sỹ ảo" chỉ tiền mất tật mang mà không biết kêu ai./.