Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác thúc đẩy kinh tế giữa hai nước

(VOH) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ 30/10 đến ngày 1/11 theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm đề cao đường lối đối ngoại, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn, các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Trả lời TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết chuyến công tác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, nhà nước Việt Nam đến Trung Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội 13 và Tổng bí thư cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lần gần nhất lãnh đạo hai đảng gặp mặt trực tiếp là vào tháng 11/2017, khi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Xem thêm: Sáng nay (31/10), Lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Bắc Kinh

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác thúc đẩy kinh tế giữa hai nước
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tại lễ đón ở Hà Nội vào tháng 11/2017.

Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua "về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, hợp tác kinh tế thương mại đến phòng, chống Covid-19", theo Đại sứ Phạm Sao Mai.

Hợp tác kinh tế, thương mại trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ 2016), nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ 2020) của Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. 

Về biên giới lãnh thổ, hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc.

Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với Trung Quốc. Quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai đảng, hai nước, với điểm sáng là giao lưu nhân dân và quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ chính là nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển tiếp theo của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Cổng thông tin của Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỉ USD, tăng 37 lần so với năm 2002. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 1 - 9 vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 132,38 tỉ USD, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,22 tỉ USD, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2021. Và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 91,15 tỉ USD, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2021.