Quấy rối tình dục - Hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người

(VOH) - Rất nhiều câu chuyện đã được người trong cuộc sẻ chia cho thấy, tình trạng quấy rối tình dục (QRTD) hiện nay mang nhiều hình thái khác trước. Đặc biệt với kiểu quấy rối của những đàn ông trí thức, thành đạt.

Đối tượng này thường dùng quyền lực buộc người lệ thuộc về công việc phải âm thầm chịu đựng những hành vi quấy rối. Bên cạnh đó, người bị quấy rối thường không dám chống cự hoặc chống cự rất yếu ớt.

Trước thực tế này một bộ quy tắc ứng xử mới của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ra đời hy vọng sẽ giúp Chính phủ, chủ sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều mà những hướng dẫn  - những hành vi cụ thể pháp luật hiện hành vẫn còn chưa quy định rõ. Tuy nhiên, “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” vừa  được công bố đang khiến dư luận nghi ngờ là khó đi vào thực tiễn vì không có tính pháp lý, nhất là trong bối cảnh người bị QRTD chưa đủ can đảm tố giác cá nhân quấy rối lên cơ quan chức năng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VOH đã có cuộc trao đổi với bà Trần Quỳnh Hoa - Đại diện Tổ chức lao động Quốc tế (ILO).

Những hành vi cố tình đụng chạm, sờ mó... được xem là hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Ảnh minh họa: nguoiduatin

* Thưa bà, bà có nhận xét gì về tình trạng quấy rối tình dục(QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam? QRTD tại nơi làm việc có phải là vấn đề phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới không?

- Bà Trần Quỳnh Hoa: Vấn đề QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam chưa có nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ về vấn đề này. Trong một khảo sát về bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam do Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) kết hợp với Navigos Search thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy, 17% trong số hàng trăm ứng viên cấp trung được hỏi cho biết rằng chính họ đã từng nhận được những cái đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc. Những người khi được khảo sát này họ chưa có những kiến thức đầy đủ về thế nào là quấy rối tình dục ở nơi làm việc, ở các nước khác, theo một nghiên cứu ở Nepal thì 54% nữ lao động báo cáo rằng họ từng phải đối mặt với QRTD tại nơi làm việc. Còn ở Nhật Bản, trong số gần 2.300 lao động nữ được hỏi thì 2/3 đã từng bị QRTD và 11% từng bị QRTD trao đổi và 45% cho rằng họ đang làm việc trong môi trường thù địch.

* Quấy rối tình dục nơi công sở có thể gây ra những hậu quả gì cho nạn nhân cũng như cơ quan/công ty của họ?

- Bà Trần Quỳnh Hoa: QRTD trước hết là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền của con người và quyền của người lao động và nó ảnh hưởng xấu tới nhân phẩm cũng như an toàn của người lao động khiến cho nạn nhân bị stress, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và ảnh hưởng đến khả năng lao động của họ. Cho nên những hành vi QRTD chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng nếu tích tụ lại thì sẽ trở thành một vấn đề lớn. Chẳng hạn việc đụng chạm người khác mà người ta không mong muốn, hoặc phô bày những hình ảnh khiêu dâm hoặc những câu nói đùa liên quan đến tình dục nếu cứ diễn ra thường xuyên, không được giải quyết thì đó lại là vấn đề nghiêm trọng và những hành vi này phải được phòng ngừa và giải quyết. Còn đối với người sử dụng lao động thì QRTD khiến họ bị giảm lợi nhuận, giảm năng suất lao động. Bởi vì người lao động vì khó chịu quá nên họ thường xuyên vắng mặt, nghỉ làm, thậm chí xin nghỉ việc. Điều này gây ra biến động nhân sự và ảnh hưởng tới doanh nghiệp, gây lãng phí, chi phí và công sức bỏ ra để đào tạo cho lao động đó.

* Bộ quy tắc ứng xử này được xem là một bước tiến trong phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc, tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn còn nhiều quan ngại trong việc tố giác vi phạm. Theo bà, vì sao lại có sự e ngại này?

- Bà Trần Quỳnh Hoa: Hiện nay ở Việt Nam còn rất nhiều người ngại không tố giác vi phạm liên quan đến QRTD tại nơi làm việc bởi vì phần lớn các nạn nhân họ rất ngại ngùng không muốn tố giác vấn đề này. Mà nguyên nhân nhiều người cho rằng đó cũng là một phần lỗi của họ. Chính điều này cần được thay đổi và họ cần hiểu rằng họ hoàn toàn không có lỗi. Để thay đổi nhận thức về vấn đề này phải mất vài năm và cần phải có những biện pháp nhằm thay đổi nhận thức một cách liên tục, không phải chỉ làm trong một thời gian ngắn rồi dừng lại. Và nếu như việc thay đổi nhận thức này từ những thế hệ trẻ hơn thì sau này xã hội sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề này.

* Theo bà, nạn nhân của hành vi QRTD cần phải làm gì? Những nạn nhân cũng như doanh nghiệp và cơ quan hữu quan cần làm gì để ngăn chặn nạn QRTD cũng như để bộ quy tắc này phát huy hiệu quả?

- Bà Trần Quỳnh Hoa: Một người họ cảm thấy họ là mục tiêu bị QRTD tại nơi làm việc thì họ nên thông báo cho người có hành vi quấy rối đối với họ thông qua lời nói hoặc văn bản rằng hành vi đó họ không mong muốn và họ cảm thấy bị xúc phạm và người có hành vi đó phải dừng lại ngay lập tức.

Và người lao động này cần báo cáo hành vi này càng sớm càng tốt cho bộ phận có chức năng trong cơ quan, doanh nghiệp. Và người lao động có thể lựa chọn giải quyết vấn đề này thông qua các kênh không chính thức hoặc đề nghị điều tra chính thức. Còn đối với các bên có liên quan ở trong thị trường lao động, tức là đại diện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của chủ lao động (VCCI), họ đã cùng ký vào bộ quy tắc cam kết cùng hỗ trợ và nỗ lực phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Do đó, chính các bên này họ phải có trách nhiệm, nỗ lực thực hiện triển khai và đưa bộ quy tắc vào cuộc sống. Quá trình này trước hết đòi hỏi doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội phải nhận thức được rằng QRTD tại nơi làm việc cần thiết phải bị loại bỏ. Còn về phía doanh nghiệp nên thấy rằng việc đưa những chính sách, quy chế phòng chống QRTD như khuyến nghị của bộ quy tắc thì chỉ đem lại cho họ lợi ích mà không mất đi chi phí kinh tế gì cả. Việc đảm bảo thực hiện các quyền của con người tại nơi làm việc đang là vấn đề cả thế giới cùng quan tâm.

* Bộ Luật lao động năm 2012 đã nghiêm cấm hành vi QRTD nơi làm việc. Với sự ra đời của bộ quy tắc này thì hiện tại, việc xử lý hành vi vi phạm được thực hiện như thế nào?

- Bà Trần Quỳnh Hoa: Bộ Luật năm 2012 cấm hoàn toàn các hành vi quấy rối tại nơi làm việc đó là một bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại vấn đề này và sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử là một bước tiến quan trọng thứ hai tiếp theo. Bởi vì đây là công cụ để hỗ trợ người lao động và các bên liên quan thực hiện quy định của pháp luật và khi các doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc này đưa vấn đề QRTD vào trong các chính sách, quy chế doanh nghiệp của mình thì họ hoàn toàn có cơ sở xử lý những sai phạm trong doanh nghiệp của mình.

* Cảm ơn bà!