Quê hương – suối nguồn yêu thương

(VOH) - Những ngày cuối năm thật tất bật và rộn ràng, song Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Tới,Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn nhưng đầy thú vị về tâm huyết của cả đời mình.

Xa quê hương năm 18 tuổi để sang Thụy Sĩ du học, rồi sau đó tiếp tục con đường nghiên cứu ở Mỹ, hơn 40 năm trôi qua, ấy thế mà giáo sư vẫn giữ được một cốt cách, tâm hồn “rất Việt Nam”. Khiêm nhường, giản dị nhưng uyên thâm, đó là những điều mà ai từng tiếp xúc với giáo sư đều cảm nhận được.

Đang là giáo sư của trường Đại học Tufts danh giá của nước Mỹ, được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam, năm 2009, giáo sư Võ Văn Tới đã có quyết định táo bạo khi từ bỏ công việc và sự nghiệp được bao nhiêu người mơ ước ở xứ cờ hoa để quay trở về Việt Nam. Bạn bè, đồng nghiệp, gia đình ai cũng bất ngờ, thế nhưng ông vẫn cương quyết thực hiện dự định mà mình ấp ủ bao lâu nay, đó là đặt nền móng đầu tiên cho ngành Kỹ thuật y sinh tại quê nhà.

Không thể kể hết được những khó khăn, trở ngại ban đầu, nhưng nhờ có sự thông cảm, chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè xung quanh, dần dần ông đã thích nghi với cuộc sống mới.

Năm 2009, bộ môn Kỹ thuật y sinh chính thức được thành lập tại Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) do Giáo sư Võ Văn Tới làm trưởng khoa. Để xây dựng nền móng cho một bộ môn còn non trẻ tại quê nhà, ông đã chủ động mời giảng viên từ các trường đại học lớn trên thế giới đến dạy theo mô hình thỉnh giảng. Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, ông cùng các sinh viên còn bỏ công sức nghiên cứu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Những chiếc máy viễn áp, máy theo dõi nhịp tim từ xa, giao diện đo đường từ xa, phần mềm quản lý bệnh vẹo cột sống… lần lượt ra đời trong sự tự hào của các giảng viên, sinh viên khoa Kỹ thuật y sinh.

Khi chúng tôi hỏi về cảm nhận của ông sau hơn 5 năm về lại quê cha đất tổ, ông mỉm cười hồn hậu và đáp: "Sau hơn 5 năm trở về đất nước, tôi cảm thấy hài lòng với quyết định của mình. Có thể nói mỗi ngày ở đây đối với tôi là một ngày hạnh phúc, vui sướng. Động lực thúc đẩy tôi trở về với quê hương, thứ nhất đó là vì tôi là người Việt Nam, tôi thấy đất nước còn có thể phát triển hơn nữa; thứ hai là vì chính phủ Việt Nam rất cởi mở; thứ ba là tôi nghĩ đất nước mình còn rất nhiều cơ hội để mình có thể tham gia đóng góp".

GS-TS Võ Văn Tới đang hướng dẫn sinh viên khoa Kỹ Thuật y sinh tìm hiểu về công ngệ mới - Ảnh: Q.Anh.

Cũng như Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Tới, kỹ sư Nguyễn Văn Công – một kiều bào Pháp nay đã gần 80 tuổi, cũng nặng mang trong lòng một món nợ ân tình với quê hương. Hơn 10 năm trước, kể từ khi về hưu, kỹ sư Nguyễn Văn Công đã quyết định về lại Việt Nam để xây cầu từ thiện với vai trò trưởng nhóm VK - Nhóm VK do ông đồng sáng lập, tập hợp hầu hết là trí thức Việt kiều đã về hưu từ nhiều nước trên thế giới với mục đích vận động bà con kiều bào đóng góp tài chính để xây dựng cầu bê-tông ở nông thôn, thay thế cầu khỉ, cầu ván.

Vì sao lại là xây cầu mà không phải là các hoạt động thiện nguyện khác? Ông Công cho rằng: cây cầu là “cần câu” của bà con, có nó cuộc sống của bà con đã thật sự thay đổi, người lớn thuận tiện vận chuyển hàng hóa nông nghiệp, trẻ em thuận lợi đến trường, nhất là trong mùa mưa, kinh tế vùng từ đó cũng phát triển hơn, dần dần đưa người dân thoát khỏi nghèo khó. "Những người sống bên cây cầu khỉ, họ không biết đến tương lai. Nhưng khi chúng tôi xây được cây cầu, lúc đó người ta mới bắt đầu nghĩ đến tương lai. Họ đi tới đi lui vui vẻ vì đã có chiếc cầu nối hai bờ vui!", ông Công chia sẻ.

Tính đến nay, gần 200 cây cầu mang tên VK đã được xây dựng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thuộc miền Trung và Tây Nguyên. Vốn xuất thân là các kỹ sư am hiểu về cầu đường nên các thành viên của nhóm đã biết cách tính toán tiết kiệm thời gian, chi phí thi công mà vẫn có được những cây cầu đẹp với độ bền hơn 40 năm. Trong thời gian tới, nhóm VK sẽ tiếp tục xây dựng cầu bê-tông ở các tỉnh phía Bắc.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình, vừa qua, ông Nguyễn Văn Công đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhắc đến những đóng góp của kiều bào ta đối với sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước, không thể không nhắc đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của bà con kiều bào, mà trong đó ông David Trung Dương là tấm gương tiêu biểu.

Là một người con đất Việt giàu nghị lực, sau 40 năm định cư tại TP San Francisco (Mỹ), bắt đầu cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solution - công ty châu Á duy nhất đứng thứ 37/100 công ty hàng đầu của ngành xử lý chất thải Hoa Kỳ, đồng thời là Chủ tịch Công ty Vietnam Waste Solution tại Việt Nam.

Trong câu chuyện cuộc đời mình, không ít lần va vấp tưởng chừng không đứng dậy được, thế nhưng ông vẫn cháy bỏng khát vọng làm giàu chính đáng, để không ai có thể coi thường người Việt nơi xứ lạ quê người. Khi đã thành công trên đất Mỹ, David Dương quyết định thực hiện mong ước ấp ủ bao lâu nay: về lại quê hương để cống hiến cho mảnh đất nơi mình sinh ra.

Năm 2005, Công ty Xử lý chất thải Việt Nam 100% vốn nước ngoài do ông làm Chủ tịch HĐQT đã được thành lập và đi vào hoạt động tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TPHCM), trên diện tích 128ha. Sau dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở TP.HCM, ông David Dương đang đầu tư dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh ở Long An mang tầm quốc tế với quy mô 1.760 ha, có chức năng xử lý tất cả các chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp hiện tại và tương lai bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Chia sẻ về quyết định đầu tư tại Việt Nam, ông David Trung Dương cho biết: "Điều khiến tôi thích thú, đó là tất cả các ngành kinh tế thì đều nhằm mục đích chính là kiếm tiền, nhưng ở ngành nghề này lại có thêm niềm vui sướng đó là đem lại lợi ích thực sự cho cộng đồng. Ví dụ như mình làm sạch môi trường, làm sạch thành phố là giúp bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Do đó lợi nhuận đem về cũng là một phần thưởng không chỉ thuần túy về mặt kinh tế".

Theo số liệu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, năm 2014, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt hơn 5 tỷ USD. Trong giai đoạn 1993 - 2014, tổng lượng kiều hối đạt gần 97 tỷ USD, bình quân khoảng 4,4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6,8% GDP trong thời gian tương ứng. Từ năm 2007 đến 2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 sau vốn FDI, cao hơn cả vốn ODA.

Bên cạnh đó, người Việt từ khắp các nước còn về lại quê hương để tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; thăm và tặng quà đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo; tham gia các hội nghị, hội thảo, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Trong chương trình “Xuân quê hương” lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: "Đồng bào ta ở nước ngoài đã phấn đấu, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, có nhiều thành công trên mọi lĩnh vực và luôn gắn bó với quê hương đất nước. Đồng bào ta ở nước ngoài đã thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước, cùng đồng bào trong nước kề vai sát cánh đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước những thành tựu mà bà con người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao lòng yêu nước và những đóng góp quý báu của kiều bào đối với đất nước".

Một mùa xuân mới lại đến trên quê hương Việt Nam mến yêu. Xuân năm nay càng đặc biệt hơn khi đất nước tưng bừng chào đón những sự kiện chính trị quan trọng. Đất nước hòa bình đã 40 năm, đúng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ của mình mà cản trở việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta!”. Trong không khí của ngày xuân nắng ấm, chúng ta không quên những tấm lòng tha thiết hướng về quê nhà của hàng triệu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, và càng mong mỏi kiều bào sẽ gắn kết hơn nữa với quê hương vì một tương lai “Lạc Hồng vinh hiển”.