Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

(VOH) - Sáng nay 30/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa 15 tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo các đại biểu, hiện nay phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Ví dụ như vấn đề vốn, trong các doanh nghiệp nhà nước thì chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân thì lại không có khả năng tiếp cận.

Nhiều vùng có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng đầu tư phát triển lại không cân xứng. Bên cạnh đó, nền kinh hiện nay đang thiếu những trụ cột để tạo nên một sự phát triển tự chủ và bền vững. Cho nên việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Chúng ta rất cần thiết phải có cơ chế đột phá để tạo lập ra những chỗ đứng thay đổi các phương thức đầu tư, chứ không phải là thực hiện các biện pháp thông thường”, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội nêu.

kỳ họp thứ hai quốc hội
Kỳ họp thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện còn diễn biến phức tạp và khó lường, có thể phát sinh nhiều biến thể, biến chủng mới. Nên quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn phải thích ứng an toàn với việc kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn đang nằm trong top cao của thế giới. Do đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều chiều, tác động bất định bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

Theo các đại biểu, thời gian qua đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công vẫn là một điểm nghẽn, do đó cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp cho các tỉnh thành trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Về phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu, cơ cấu lại nền kinh tế mà chúng ta đang thảo luận.

Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng cho liên kết vùng liên kết ngành hạ tầng chuyển đổi số kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhân đây tôi cũng đề nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế cơ chế để cho các liên kết vùng thực hiện có hiệu quả vì thời gian qua chúng ta có quy định nhưng rõ ràng chưa làm rõ được quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.”, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm vấn đề tái cơ cấu lại nông nghiệp. Đồng tình với mục tiêu khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên theo các đại biểu mô hình cơ cấu lại nông nghiệp chưa được thể hiện cụ thể trong kế hoạch.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung cụ thể các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã : “Cần quan tâm phát triển kinh tế HTX để hỗ trợ người nông dân...Cần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Chúng ta có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh nhưng thương hiệu chưa có…”. 

Các đại biểu cũng cho rằng cần rà soát, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện; Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các chương trình, đề án bảo đảm sau khi thông qua, các chương trình, đề án được triển khai thực hiện ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025.