Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15, sáng nay (28/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Nhiều đại biểu đánh giá dự án Luật đã bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

quoc-hoi-thao-luan-ve-luat-thi-dua-khen-thuong-voh.com.vn-anh1
Sáng nay (28/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: quochoi)

Đóng góp ý kiến về Luật Thi đua khen thưởng, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác Thi đua khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác Thi đua khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác Thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Kạn, để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất hơn, thì cần rà soát để cải tiến về hồ sơ, thủ tục: "Một là kiến nghị với cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục để chúng ta hướng tới việc để tiến hành việc này được khẩn trương hơn.

Thứ hai là kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức theo thủ tục đơn giản.

Thứ ba là kiến nghị tiếp tục rà soát để bổ sung thêm những hình thức thi đua mà đã rõ về thành tích công trạng thì tiếp tục tăng thẩm quyền đồng thời tăng trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng này, không nhất thiết là mọi việc phải thông qua Hội đồng thi đua".

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Hùng Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu ý kiến: "Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó Luật sửa đổi cần phải có những quy định rõ cụ thể.

Theo quan điểm của tôi, khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân tập thể đạt được, như vậy mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới".

Một điểm mới của dự án Luật là việc bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi danh sách được xét tặng. Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội cho rằng Phát thanh viên không thuộc lĩnh vực nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, cũng không có cuộc thi, cơ cấu giải thưởng phù hợp để xét tặng danh hiệu, thì việc loại ra khỏi danh sách cũng là điều xác đáng.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị giữ lại đối tượng nhạc sĩ theo quy định hiện hành bởi các lý do: "Nhạc sĩ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo. Nếu không có nhạc sĩ thì sẽ không có tác phẩm cho nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn… Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí thì vẫn phải được xét tặng danh hiệu…".

Về việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung danh hiệu thi đua này đối với người dân ở phạm vi cấp xã, phường, thị trấn là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, cần làm rõ thêm các danh hiệu thi đua này có làm cơ sở để xem xét danh hiệu thi đua cao hơn không; Làm rõ nội hàm, phạm vi “tiêu biểu”;  Rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn để bảo đảm tính khả thi và tính ổn định của quy phạm pháp luật.