Quy định về quản lý người nghiện ma túy: Nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn

(VOH) - Từ ngày 01/01/2014, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực đối với điểm quy định: muốn đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung phải làm thủ tục qua các ngành liên quan và cuối cùng phải có bản án của tòa án. Với quy định trên, thẩm quyền quyết định đưa người đi cai nghiện theo diện bắt buộc được chuyển từ ủy ban nhân dân cấp quận, huyện sang tòa án nhân dân cùng cấp. Việc thay đổi này nhằm hướng tới thực hiện các yêu cầu của các tổ chức quốc tế là không bắt buộc chữa bệnh đối với tất cả người nghiện ma túy, mà phải ưu tiên sử dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng và điều trị thay thế bằng metanol.

Bệnh nhân đến uống thuốc thay thế tại cơ sở điều trị Methadone (ảnh:trungtamtruyenthonggdsk)

Để thực hiện quy định mới nêu trên, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 111 ngày 30/09/2013 và Nghị định 221 ngày 30/12/2013 quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy là giáo dục tại phường, xã, thị trấn, hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, trong gần 7 tháng qua, việc đưa người đi cai nghiện ở TPHCM đang “án binh bất động” do các Nghị định trên còn quy định chung chung, các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng chưa có. Cụ thể, theo Nghị định 111 thì phải thực hiện biện pháp cai nghiện tại cộng đồng từ 3 đến 6 tháng, nếu không hiệu quả mới áp dụng Nghị định 221 để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng hiện nay, thủ tục để quản lý và cai nghiện tại cộng đồng trong thời gian 3-6 tháng cũng chưa rõ ràng, và vì thế mà chưa nơi nào thực hiện. Tòa án cấp huyện cũng chưa có các biểu mẫu thực hiện việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc. Còn theo Nghị định 221 thì có điểm quy định tổ chức xã hội ở phường, xã là nơi có nhiệm vụ quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ lập thủ tục đưa đi trường trại, nhưng tổ chức xã hội cụ thể là tổ chức nào thì chưa quy định rõ. Về vấn đề này, ông Lê Trương Hải Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 cho biết:





Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cũng do quy định không cụ thể, mà hơn 6 tháng qua, sau khi điểm mới này của Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, ở TPHCM, không có trường hợp nào có đủ hồ sơ để đưa đi cai nghiện tập trung. Trong khi đó, số đã hết thời gian quản lý, giáo dục tại trường trại, ra về là hơn 1.500 người. Từ nay đến cuối năm 2014, thành phố sẽ nhận thêm trên 3.000 trường hợp trở về tái hòa nhập cộng đồng. Như vậy, không có người nghiện nào được đưa đi, số trở về thì ngày càng nhiều, trong khi tỷ lệ tái nghiện lâu nay của thành phố luôn dao động khoảng 22%, điều này gây áp lực rất lớn cho thành phố trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Trước sự ách tắc trong việc áp dụng các biện pháp hành chính đối với người nghiện ma túy, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM không khỏi lo lắng:



Theo dự báo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì từ nay đến cuối năm sẽ chẳng có trường hợp nào, hoặc rất ít trường hợp được đưa đi cai nghiện tập trung. Theo thống kê của công an, 70% các vụ phạm pháp hình sự là có liên quan đến ma túy. Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, nhất là ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng và biến tướng khó lường. Nói về thực trạng trong công tác phòng chống ma túy hiện nay, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại:



Hạn chế lớn nhất trong việc thực thi pháp luật ở nước ta là tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư. Ma túy thì đang gây nên những hiểm họa khôn lường cho xã hội. Với một vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội như ma túy, thì càng không thể chậm trễ các biện pháp chế tài, quản lý, giáo dục, cải tạo người nghiện để họ trở về với cuộc sống bình thường.


Tình hình hiện nay đang cấp bách, các cơ chế áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy cần được nhanh chóng ban hành đầy đủ và thực hiện thông suốt. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi một ngày đối tượng nghiện còn chưa được đưa đi cai nghiện và vẫn đang sử dụng ma túy, thì sự bất an đối với cộng đồng là rất cao. Song song với công tác truy quét, ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi nạn tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, thì cái gốc của vấn đề chính là phải giải quyết rốt ráo tình trạng người nghiện ma túy bằng các biện pháp cai nghiện tập trung.