Chờ...

Quy hoạch đô thị “cản bước” giao thông công cộng

(VOH) - Dù có liên hệ "sống còn" nhưng quy hoạch đô thị tại TPHCM lại gây cản trở sự phát triển của giao thông công cộng. VOH Online giới thiệu nhận định và giải pháp của kiến trúc sư Nguyễn Thiềm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM).

Xóa bỏ nhà thấp tầng, nhà hẻm

KTS Nguyễn Thiềm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM) khẳng định: “Nhà thấp tầng, nhà hẻm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khó khăn cho phương tiện giao thông công cộng (GTCC). Bởi đặc trưng của nhà hẻm là mặt đường nhỏ hẹp, các phương tiện GTCC không thể đi sâu vào phục vụ”.

Theo ông Thiềm, nguyên nhân của việc xuất hiện dày đặc nhà thấp tầng, nhà hẻm là bởi TP.HCM là đô thị cải tạo lại trên hiện trạng có sẵn, không phải đô thị xây mới ! “Để giải quyết tình trạng này, trước đây thành phố cũng từng có ý định đưa xe tuk tuk của Thái Lan vào hoạt động nhưng rồi lại thôi". 

Đặc trưng nhà hẻm là đường nhỏ, hẹp, hoàn toàn không thích hợp với giao thông công cộng

Quy hoạch đô thị để đáp ứng được cho GTCC là quá trình chuyển đổi từ việc xây nhà phân tán lẻ tẻ trong phố hẹp thành các khu vực tập trung cao tầng dọc theo các hành lang.

Kiến trúc đô thị hiện nay chỉ đáp ứng được 10% cho công suất hoạt động của phương tiện GTCC. Vì thế, việc cần làm là dần xóa bỏ nhà thấp tầng, nhà hẻm. Kêu gọi nhà đầu tư đến gom đất xây dựng nhà cao tầng song song đó là tái định cư tại chỗ cho người dân.

Nhà cao tầng không chọc lối đi ra trục giao thông chính

Một nguyên nhân nữa cản trở GTCC chính là những lối đi chọc ra trục giao thông chính. “Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ là những đường có nhiều tuyến xe buýt đi qua. Đặc trưng của xe buýt là thường xuyên ra vô ghé trạm. Đồng thời trên các con đường này lại cho xây dựng các tòa cao ốc không có lối đi riêng và cổng sau. Khi người và xe đi từ trong rẽ ra lập tức sẽ xung đột với xe buýt, nhất là vào giờ tan tầm”, ông Thiềm phân tích. 

Giải pháp được KTS Nguyễn Thiềm đưa ra là cần cấm xây dựng các căn nhà mặt tiền cao tầng chọc lối đi nội bộ ra đường chính có nhiều loại phương tiện GTCC.

“Khi xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư xây thêm cổng sau và sân sau, không chọc lối đi ra phía trục giao thông chính, đặc biệt là trục có nhiều phương tiện GTCC đi qua. Những khu vực đã hình thành rồi cần xây dựng 1 đến hai đường gom dẫn ra đường chính. Người và phương tiện ở khu vực đó chỉ đi theo đường gom ra đường chính mà thôi”.

Xác định rõ công năng của từng loại đường

Mỗi tuyến đường cần được xây dựng sao cho tương ứng với công năng, đặc điểm của từng loại xe.

Ông Thiềm dẫn điều 60, Hiến chương Athena (Liên hiệp các hội kiến trúc sư thế giới): “Đường và đường huyết mạch phải được phân loại tương ứng với vai trò, phải được xây dựng tương ứng với tốc độ vận hành và đặc tính của dòng giao thông mà nó phải đảm bảo”.

“Không thể xây dựng chung chung, đường nào cũng giống đường nào” – ông Thiềm thẳng thắn.

Theo KTS Nguyễn Thiềm, việc cần thiết là ngành quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông cần ngồi lại xây dựng quy hoạch, quy chế riêng dành cho công trình phục vụ GTCC.

Nên đặt các trạm dừng cho phương tiện GTCC trong bán kính 500m so với khu dân cư để người dân có thể đi bộ từ nhà đến trạm xe. Song song đó, đầu tư các dịch vụ công cộng như cho thuê xe đạp, xe đạp điện để người dân sử dụng di chuyển trong quãng đường trung bình như từ nhà đến trạm xe buýt.

Khuyến khích nhà cao tầng có đầy đủ tiện ích

Khuyến khích đô thị nén

Giảp pháp trước mắt, KTS Nguyễn Thiềm cho rằng, cần khuyến khích chủ đầu tư xây dựng những khu đô thị nén nhằm phân bổ lại dân cư. Trong khu đô thị nén phải tập trung đầy đủ dịch vụ, cơ sở hạ tầng, công trình dịch vụ công cộng đáp ứng cho nhu cầu sinh sống, vui chơi, học tập và làm việc cho người dân. Từ đó, người dân sẽ không phải “chạy đi chạy lại” như hiện nay.

Ông Thiềm khẳng định: “Bởi khi chạy đi chạy lại, ắt hẳn người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến GTCC”.

Không những vậy, khi hình thành khu đô thị nén sẽ tạo nên sự phân bổ lại dân cư. Khi một khu vực tập trung nhiều dân cư thì nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại tăng lên, các phương tiện GTCC sẽ có thể hoạt động hết công suất, phục vụ tốt hơn.

Xa hơn, cần xây dựng thành phố vệ tinh, tạo việc làm ổn định để người dân không di chuyển vào trung tâm, chia sẻ gánh nặng cho thành phố trung tâm.

Ông Thiềm cho rằng thành phố nên học nước Pháp: “Dành chính sách ưu tiên đất đai, quy hoạch cho chủ đầu tư đồng thời, nếu chủ đầu tư có lãi trong dự án đó thì chia lại một phần cho người dân đã nhường đất để làm dự án. Như vậy, cả 2 bên đều có lợi”.

Xác định lại trục giao thông chính

Việc các định lại các trục giao thông chính sẽ là nền tảng cho sự phát triển của GTCC. Bởi khi biết chính xác tuyến nào chính, tuyến nào phụ việc đảm bảo phát triển những loại hình phù hợp với từng tuyến sẽ dễ dàng hơn.

Ông Thiềm lấy ví dụ, tại Singapore ngoài tuyến tàu điện ngầm thì xe buýt phục vụ rất tốt bởi các tuyến GTCC hình thành lâu đời và cố định. Tàu điện ngầm được xem trục giao thông chính, di chuyển quãng đường xa, các tuyến nhỏ hơn sẽ do xe buýt đảm nhận.

Khi xác định được trục giao thông, người dân sẽ dần dần tìm đến những nơi có GTCC để sinh sống nhằm thuận tiện cho đi lại. Từ đó, các cụm công trình sẽ mọc lên theo tuyến giao thông. Tỉ lệ người sử dụng GTCC tăng lên, tạo thành thói quen, giúp GTCC khai thác hết công suất.

Việc người dân thay đổi nơi ở, mua chỗ này, bán chỗ kia hình thành nên thị trường nhà đất phục vụ cho GTCC. Theo KTS Nguyễn Thiềm, đây là quy luật không sớm thì muộn cũng xảy ra.

Ông cũng cho rằng, thành phố đang có những tin hiệu vui, biểu hiện qua việc quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông đã có sự liên kết, quy hoạch chung của TPHCM đến 2025 đã xác định được các trục giao thông vành đai, xuyên tâm, chính, đường liên khu vực. Trên cở sở hiện trạng cũ sẽ mở mới thêm các tuyến GTCC, đặc biệt là xe buýt.

“Từ đây, người dân sẽ bắt đầu ý thức để chọn nơi sống, mua nhà ở đâu, hình thành tổ chức không gian đô thị”, ông Thiềm dự đoán.