Sức mạnh của tiếng nói chính nghĩa

(VOH) - Tết năm 1962, lúc 18 giờ 30 ngày 1/2, sau nhạc hiệu bài Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên, 2 xướng ngôn viên cất cao giọng nói: “Đây là Đài phát thanh Giải phóng – tiếng nói của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam!”, đánh dấu sự ra đời của Đài phát thanh Giải phóng là tiền thân của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM hôm nay.

Ông Võ Văn Tòng – nguyên Trưởng phòng Phát xạ Đài phát thanh Giải phóng, nguyên Phó Giám đốc Đài TNND TP (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: tư liệu

Ông Võ Văn Tòng – nguyên Trưởng phòng Phát xạ Đài phát thanh Giải phóng, nguyên Phó Giám đốc Đài TNND TP nhớ lại: khoảng tháng 7/1960, ông nhận lệnh từ Văn phòng Xứ ủy mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Xứ ủy giao cho, đó là xây dựng Đài phát thanh vì lúc này cách mạng miền Nam đang chuyển sang thời kỳ mới, rất cần tiếng nói chính nghĩa để tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cũng như trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. 

Lễ kỷ niệm 12 ngày thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Ảnh tư liệu

Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Tòng về xưởng và bắt tay chế tạo máy phát sóng cho Đài. Nói là xưởng cho oai chứ thật ra lúc đó chỉ có hai kỹ thuật viên, dụng cụ chỉ có một mỏ hàn đốt củi, một số điện trở, tụ điện, hai ba cây vít vặn ốc và dây kẽm các loại, một số sách chuyên môn tiếng Pháp. Làm việc ngày đêm không nghỉ, vừa làm vừa mày mò dựa trên kinh nghiệm cũng như sách hướng dẫn ít ỏi, ấy vậy mà dần dần hình hài của chiếc máy phát sóng đầu tiên đã hình thành. Ông Tòng kể, lúc đó căn cứ phải giữ bí mật tuyệt đối vì cơ quan đầu não đã chuyển về đây, cho nên cấm tuyệt đối tiếng động và khói lửa. Việc hàn, gò, đục, khoan sườn máy phải đưa xuống hầm, đậy kín miệng để làm, dưới cái nóng và tiếng ồn như thế nhưng không ai than vãn nửa lời. Ông Võ Văn Tòng xúc động kể,  thời đó có khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” vì xung quanh địch bao vây. Do đó, kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, chỉ có cái mỏ hàn đốt củi, vài cây tua vít, vài tụ điện, điện trở bình thường mà mình xây dựng được một đài phát thanh!".

Những khó khăn dần cũng vượt qua, giờ phút hồi hộp đã đến. Buổi phát thử sóng đầu tiên với câu chuyện “Võ Tòng đả hổ”, truyện “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng và ngâm thơ đã phát tới tận Cà Mau. Vui mừng vì thành công của Đài trong lần đầu phát thử, đồng chí Trần Bạch Đằng – nguyên Thủ trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã gửi tặng bộ phận phát thanh bốn hộp sữa, hai ký đường và một ký cà phê gọi là thưởng cho mọi người. Quà tuy nhỏ nhưng anh em ai cũng rưng rưng xúc động và thêm ấm lòng, tiếp tục phấn đấu cho làn sóng đi xa hơn nữa.

Cũng là một cán bộ đầu tiên của Đài phát thanh Giải phóng, ông Nguyễn Vi Thiệu vẫn nhớ như in những năm tháng gian khổ nơi chiến khu. Mỗi lần dời căn cứ, máy phát thanh phải tháo ra từng ngăn, tải trên vai như tải gạo. Bộ phận máy nổ, dynamo rất nặng ban đầu di chuyển phải có hàng chục người cùng khiêng, về sau được đặt trên xe bánh gỗ, kẻ đẩy người kéo. Vất vả nhất là việc chuyển xăng dầu cho máy nổ, có khi phải đèo trên lưng từng can xăng, dầu khoảng 10, 20 lít. Máy phát thanh, phát sóng là điểm dễ bị địch phát hiện, phải đặt xa khu vực ở và làm việc ít nhất hàng chục km. Vì vậy, thu thanh ở phòng bá âm xong, để phát sóng đúng giờ, phải mang băng đã thu băng rừng, lội suối về máy phát. Có trường hợp cận giờ phát, anh em phải băng nhanh đến ngất xỉu khi về đến nơi ! Không chỉ đảm nhận chuyên môn, các cán bộ, nhân viên Đài khi ấy còn tham gia chiến đấu chống càn. Trong trận càn Junction City được xem là một cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, cán bộ - chiến sĩ Đài đã kiên cường, sáng tạo, đảm bảo liên tục các buổi phát sóng và chiến đấu mưu trí, gan dạ, bắn cháy 2 trực thăng cùng 1 xe tăng M113. Ông Nguyễn Vi Thiệu nhớ lại: "Ngày xưa, khó khăn nhất là kiến thức, kỹ thuật, rồi phải đào hầm, ráp máy, tải đạn, tải xăng dầu, tải gạo … nên lực lượng thanh niên chỉ có nhiệt huyết cách mạng, đồng lòng từ trên xuống dưới cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng mà trực tiếp là chi bộ Đài thì mới hoàn thành nhiệm vụ".

Những ngày tháng 4 năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang cao trào Tổng tiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sài Gòn trở thành điểm quyết chiến chiến lược cuối cùng, thì toàn bộ cơ sở thông tin, tuyên truyền và đặc biệt là Đài phát thanh quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũng trở thành mục tiêu hàng đầu, phải được giải phóng bằng mọi giá.

Ngày 26/4, tại một địa điểm chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 100 km, một đoàn tiền phương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong đó có Đài phát thanh Giải phóng được thành lập và khẩn trương chuẩn bị lên đường. Ngày 28/4, trước khi hàng loạt cuộc pháo kích mở màn trận quyết chiến làm rung chuyển Sài Gòn, cùng lúc quân ngụy tháo chạy khỏi Biên Hòa và những trận đánh xe tăng dữ dội nhất tràn ngập căn cứ thiết giáp ngụy ở Long Thành, thì trên làn sóng Đài phát thanh Giải phóng cũng phát đi tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận yêu sách của Chính phủ cách mạng đề ra.

Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn. (ảnh tư liệu)

Trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh đích thân đọc lời kêu gọi quân đội Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện và tuyên bố chính quyền Sài Gòn hoàn toàn giải tán ở tất cả các cấp. Cuộc chiến vũ trang đã kết thúc nhưng cuộc chiến khác vẫn tiếp diễn không kém phần gay go, quyết liệt trên trận tuyến phát thanh, truyền hình. Đúng 20 giờ ngày 30/4/1975, một chương trình phát thanh hoàn chỉnh được đưa lên làn sóng của Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng. Cả thế giới và toàn quốc chính thức biết được kết quả thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống xâm lược kéo dài 30 năm của Việt Nam. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, câu xướng “Đây là Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng … phát thanh từ thành phố Sài Gòn…”  nghe hùng hồn, truyền cảm khiến bao người xúc động đến rơi nước mắt ! Là một trong hai xướng ngôn viên của bản tin đầu tiên đó, ông Nguyễn Hữu Phước kể lại những ngày đầu tiếp quản Đài: "Sau khi được sự giúp đỡ tích cực của anh em tại chỗ, việc phát sóng vào ngày 30/4 hết sức thuận lợi. Đặc biệt thời điểm đó, Đài còn truyền thanh trực tiếp buổi mít tinh chào mừng giải phóng tại Sài Gòn, đó là nỗ lực rất đáng quý của Đài".

14 năm kể từ ngày thành lập cho đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử vào ngày 31/8/1976, với tay bút, tay súng cùng danh hiệu “3 không” mà cán bộ, biên tập viên, phóng viên Đài phát thanh Giải phóng thường tự hào là: không tên tuổi, không nhuận bút, không lương – họ thật sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp vào trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Với những thành tích và hoạt động dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, Đài phát thanh Giải phóng được tặng thưởng Huân chương Thành đồng cao quý của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước đồng thời được đề nghị trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa thế nhưng có những lời nói của một thời kháng chiến hào hùng mãi âm vang trong tâm thức bao thế hệ. Trước một đối thủ hơn hẳn về phương tiện khoa học – kỹ thuật nhưng Đài phát thanh Giải phóng đã khẳng định một sức sống mãnh liệt. Đó chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sức mạnh ý chí con người, sức mạnh của tiếng nói chính nghĩa.