Chờ...

Tài xế Grab không chịu nghỉ ngơi đủ có thể bị ngưng dùng app: Nên hay không?

VOH - Đề xuất mới đây của đại diện hãng xe công nghệ Grab: “Lái xe Grab không chịu nghỉ ngơi đủ có thể bị ngưng dùng app”, được nhiều người nhận xét là “rất nhân văn”.

Tính mạng con người là trên hết. Quan tâm đến tài xế cũng là người mang lại lợi nhuận, đồng thời cơ quan chủ quản cũng biết lo lắng cho sự an toàn của cộng đồng.

Đề xuất của Grab khiến nhiều người liên tưởng đến một kiến nghị cũng từng được dư luận ủng hộ: tài xế ô tô không được lái xe liên tục quá 4 tiếng đồng hồ vào ban ngày và không quá 3 tiếng vào ban đêm.

xe-cong-nghe-141124
Tại TPHCM hiện nay có rất nhiều người hành nghề chạy xe ôm công nghệ - Ảnh: thanh Bình

Sức người có hạn

Nghề lái xe, bất kể xe gắn máy hay ô tô đều phải đề cao hai chữ “an toàn”. Không giống như những ngành nghề khác, công việc này rất đặc biệt, bởi chỉ một vài giây mất tập trung, hậu quả sẽ không thể lường hết.

Với những va chạm hoặc tai nạn giao thông, hậu quả không chỉ đến với chủ thể gây tai nạn. Mưu sinh chỉ thực sự mang lại niềm vui trọn vẹn cho người dân, khi ai cũng được đi đến nơi về đến chốn.

Dù không quơ đũa cả nắm, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, tình trạng điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, đôi khi còn vượt đèn đỏ ở một số lái xe công nghệ là có thật. Nguyên nhân một phần do áp lực công việc, thường thấy ở người giao hàng (shipper). Thêm vào đó, vì muốn tăng thu nhập nên nhiều người giảm giờ nghỉ, tăng giờ làm, cố gắng chạy nhiều đơn hàng hơn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người lao động có tâm lý muốn tăng ca, với hi vọng đón một cái tết tươm tất hơn. Vì miếng cơm manh áo, những phận đời xa quê mong kiếm thêm thu nhập là điều chính đáng. Người lái xe công nghệ cũng không ngoại lệ, cá biệt có người chạy xe cả ngày, xuyên đêm.

Thế nhưng với đặc thù của nghề này, chuyện “tăng ca” thường xuyên với mật độ dày, đồng nghĩa tiềm ẩn những rủi ro cho chính mình và người đi đường. Lợi bất cập hại bởi vì phía trước và phía sau tay lái đều là sự sống. Vì vậy, dự định của hãng xe công nghệ hoàn toàn hợp lý.

Đảm bảo sức khỏe, tinh thần luôn minh mẫn cho tài xế không chỉ giới hạn ở những lời nhắc nhở mang tính “nội bộ”. Giờ đây, nâng lên một bước cao hơn, đáng được hoan nghênh khi hãng mạnh dạn áp dụng chế tài “khóa sóng”, với người “không chịu nghỉ ngơi đủ”.

Để hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, cần quy định cụ thể và linh hoạt hơn về thời gian mở app, cuốc xe đã nhận trong ngày cùng quãng đường di chuyển.

Ngoài ra, có tài xế mở ứng dụng cả ngày, nhưng ít khi “nổ app” hoặc các chuyến xe đã chạy có tổng độ dài quãng đường không nhiều. Thường thì trong lúc chờ khách, lái xe tranh thủ nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe. Những trường hợp này rất nên được xem xét giảm nhẹ.

Cần ý thức tự giác của tài xế

Vừa nghe xong đề xuất trên của hãng xe, tài xế xe công nghệ Phạm Văn Thành (38 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú tại P.Hiệp Phú, TP Thủ Đức) tâm sự: “Vợ chồng tôi nuôi hai con đang tuổi ăn học và trả tiền thuê phòng trọ. Nhiều lúc cũng muốn chạy “ráng” mong có thêm chút ít để trang trải chi phí, song nghĩ lại thấy không nên. Rủi ro không thể đoán trước, lỡ xảy ra chuyện xui xẻo thì cả nhà đều khổ”.

xe-cong-nghe-141124-1
Tài xế công nghệ cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp - Anh: HL

Cùng suy nghĩ với anh Thành, tài xế Bùi Văn Thương (49 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ: “Đường phố ngày càng đông người và phương tiện tham gia giao thông. Ngồi trước vô lăng luôn cảm thấy áp lực, vì vậy càng đòi hỏi tài xế phải tỉnh táo. Ai cũng mong chạy được nhiều chuyến, nhưng đừng quên lợi bất cập hại, chỉ cần một sơ suất nhỏ, sẽ khiến mọi công sức đổ sông đổ biển”.

Quả nhiên, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn hiện hữu, song cũng không phải vì thế mà bỏ qua các qui tắc an toàn. “Nghề nào cũng là “nồi cơm” của cả gia đình. Tự giác chấp hành pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi của chính mình” - ông Thương bộc bạch thêm.

Nhiều người dân và tài xế rất tán thành sáng kiến của hãng xe Grab, đồng thời mong muốn được áp dụng sớm, bởi lẽ từ nhà cung cấp dịch vụ đến người mua dịch vụ, ai cũng dành sự quan tâm cho mục đích bền vững, lâu dài. Đi trên chuyến xe, hành khách và người cầm lái đều cầu mong hai chữ “bình an”.