Tăng cường đoàn kết, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOH) - Sáng nay 11/5, Hội nghị chuyên đề Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Việt Nam tổ chức tại TPHCM.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng dự. Tham dự hội còn có Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới - Saber Chowdhury.

Các Đại biểu dự Hội nghị chuyên đề Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng Việt Nam là Quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị chuyên đề khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về chủ đề ứng phó biến đổi khí hậu và hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Ngân nhấn mạnh, Việt Nam cũng như hầu hết quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng Sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng Sông Hồng và 3% diện tích các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, TPHCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Trái đất là ngôi nhà chung nên cần tăng cường sự đoàn kết và cùng hành động có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó là mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia đã thống nhất tại Đại hội đồng Liên hợp Quốc vào tháng 9/2015, tập trung vào mục tiêu bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thách thức, cơ hội và hành động, cam kết quốc tế và vai trò của nhà lập pháp, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định:, TPHCM nằm ở cửa sông Sài Gòn – Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây phải đối mặt với thách thức mới mang tính thời đại, đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Qua đánh giá, các nhà khoa học nhận định yếu tố tác động mạnh nhất đến TPHCM là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng biển dâng ngập lụt đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TPHCM.

Trước thực trạng này, TPHCM sớm nhận thức và đã có chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý, chất thải, quản lý nước, nông nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đã tham gia Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải nhà kính. TPHCM đang phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện thỏa thuận Paris, hợp tác với thành phố Osaka Nhật Bản trong chương trình phát triển thành phố phát thải cacbon thấp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu các giải TPHCM chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Hội nghị lần này là cơ hội để TPHCM mở rộng hợp tác với các nước, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên cho thế hệ mai sau.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11-13/5. Các đại biểu tiếp tục thảo luận về các cam kết quốc tế và yêu cầu đối với các nhà lập pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu; công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá viêc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện, đồng thời chuyển giao chức Chủ tịch APPF giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam.