Tăng mức phạt = lập lại trật tự giao thông ?

(VOH) - Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. So với nghị định 171 và nghị định 107 đang áp dụng, văn bản này tăng mạnh mức phạt tiền các hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông.

Nghiêm khắc với việc uống rượu, bia và quá tốc độ

Cảnh sát giao thông xử lý phương tiện vi phạm - Ảnh: CATPHCM. 

Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền đối với tất cả các hành vi của lái xe ô tô. Theo đó, tăng mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng lên mức 3 - 5 triệu đồng đối với người đang lái xe có nồng độ cồn dưới 50 miligam trong máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở; tăng từ 7 - 8 triệu đồng lên 8 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở. Còn người đang lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng (mức cũ 10 - 15 triệu đồng). Đối với người điểu khiển mô tô, xe gắn máy trong tình trạng say xỉn, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay, tối đa là 7 triệu đồng. Nhóm hành vi chạy quá tốc độ cũng tăng mạnh mức phạt tiền và thời gian tạm giữ giấy phép lái xe. Mức phạt cao nhất với người lái xe ô tô vượt tốc độ trên 35 km/h so với quy định sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng. Nhiều tài xế rất đồng tình với những quy định này bởi cho rằng tài xế lái xe trong tình trạng say xỉn và quá tốc độ là cực kỳ nguy hiểm.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi quy định không xử phạt hành vi chở quá tải trọng dưới 10% theo đúng Nghị quyết số 47 của Chính phủ. Dự thảo cũng làm rõ khái niệm “trọng tải” là khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông, phù hợp với Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật lần kiểm định gần nhất để thống nhất thực hiện khi kiểm soát giao thông. Với hành vi chở quá tải 150%, mức phạt tiền tăng gấp đôi. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14 - 16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 18 - 22 triệu đồng (mức cũ là 16 - 18 triệu đồng). Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 36 - 44 triệu đồng (mức cũ là 32 - 36 triệu đồng). Hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng cũng tăng mức phạt từ 14 - 16 triệu đồng (mức cũ từ 3 - 5 triệu đồng) nhằm ngăn chặn tình trạng chống đối khi bị kiểm tra tải trọng . Tài xế Toàn rất hưởng ứng việc tăng mức phạt với lỗi chở quá tải trọng vì như vậy tài xế xe sẽ tránh được việc " buộc" phải chở hàng quá tải. Nhưng tài xế Toàn cho rằng việc xử phạt xe container đi chậm hơn tốc độ quy định cần được xem xét thấu đáo, hợp lý bởi phương tiện này không thể nào so sánh với tốc độ các phương tiện khác trên đường.

Đồng tình tăng mức phạt hành chính với các lỗi tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông nhưng các tài xế cũng băn khoăn trước việc tăng thêm nhiều hành vi vi phạm bị tạm giữ giấy phép lái xe và cũng tăng thêm thời gian tước quyền sử dụng bằng lái. Việc tước giấy phép lái xe với người vi phạm nên giữ nguyên như cũ là đã đủ tính răn đe. Với tài xế, giấy phép lái xe rất quan trọng. Nếu tăng thời gian tước giấy phép lái xe sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. “Việc cách ly tài xế với công ăn việc làm lâu như vậy thì việc xử phạt tính ra là rất nặng” – Tài xế Hoàng Chương đánh giá. 

Tăng cường xử phạt xe gắn máy

Vượt đèn đỏ - Lỗi vi phạm phổ biến của phần lớn người điều khiển xe gắn máy - Ảnh: L.Hương.

Các vi phạm của người điều khiển xe gắn máy, có hai mức phạt tăng mạnh gấp 10 lần. Với lỗi người điều khiển xe gắn máy chạy vào đường cao tốc mức phạt tăng lên 2 – 4 triệu đồng (mức cũ từ 200 – 400 ngàn đồng). Tài xế Hồng Việt cho rằng mức phạt tuy tăng mạnh nhưng theo anh là hợp lý. Bởi quy định tốc độ và thiết kế kỹ thuật trên đường cao tốc không cho phép xe tải trọng lớn xử lý kịp khi xuất hiện xe máy trên đường. Ở tốc độ từ 80 – 120km/h, lực ma sát giữa xe và đường là rất lớn, trong khi xe lớn phải tuân thủ tốc độ quy đinh, chỉ cần lạc tay lái là xe gắn máy không thể nào tránh được.

Nhiều người cũng ủng hộ việc tăng mức phạt với hành vi vừa chạy xe máy vừa sử dụng điện thoại di động. “Việc vừa chạy xe vừa nghe điện thoại chắc chắn sẽ không an toàn vị bị phân tâm, việc có thể gây tai nạn cho những người xung quanh. Tại sao người lái xe ô tô sử dụng điện thoại di động mà xe máy lại không?” – tài xế Hùng nói. Nếu như trong nghị định 171 thể hiện mức phạt từ 60 – 80 ngàn đồng với lỗi “người đang điểu khiển xe sử dụng điện thoại di động” thì nay được làm rõ là “dùng tay sử dụng điện thoại di động” và mức phạt tăng gấp 10 lần, tức là từ  600 – 800 ngàn đồng.

Nỗ lực lập lại trật tự giao thông

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP, tình hình giao thông của Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Ý thức tham gia giao thông còn kém. Vậy nên việc tăng mức phạt là cần thiết. Ở các nước phát triển trong khu vực, chẳng hạn như Singapore, người lái xe sau khi uống rượu bia hoặc chạy quá tốc độ, thậm chí còn bị phạt tù. Cùng với việc tăng mức phạt, cần thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền để người dân nắm được và có ý thức tốt hơn. Đồng thời, tránh xảy ra những tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cần được trang bị thêm các thiết bị ghi hình, ghi âm gắn ở những tuyến cao tốc, các tuyến đường lớn, để việc xử phạt diễn ra công khai, minh bạch

Dự kiến nghị định thay thế nghị định 171/ 2012 và nghị định 107/2013 sẽ được trình chính phủ vào tháng 10 và chính thức áp dụng từ tháng 12/2015