Thấp thỏm nỗi lo cướp giật

(VOH) - Gần đây, tại TP.HCM liên tục xảy ra những vụ cướp giật táo tợn, manh động khiến người dân bất an. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, các cử tri cũng bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng cướp giật lộng hành trên khắp các tuyến đường, từ nội ô cho đến ngoại ô, từ đường lớn đến hẻm nhỏ.

Theo số liệu của Đội đặc nhiệm phòng PC 45 thuộc Công an TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đội đã bắt quả tang 17 nhóm cướp giật, giao công an địa phương xử lý 35 đối tượng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vẫn còn đó rất nhiều các vụ cướp giật được quần chúng tham gia truy đuổi và rất nhiều những vụ cướp giật mà nạn nhân chỉ biết kêu trời vì không phản ứng kịp, đành chịu mất tài sản.

Có thể điểm qua một số vụ việc được chú ý gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khoảng 15g30 ngày 25/9, chị Kiều (ngụ tại quận 2) đang đi xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vừa qua cầu Sài Gòn hướng về quận 1, chị bị 2 thanh niên đi từ đằng sau chạy vượt lên giật giỏ xách. Chị Kiều ngã xuống đường suýt bị tai nạn, 2 tên cướp tẩu thoát. Camera lộ trình của chiếc ôtô đi phía sau đã tình cờ ghi lại toàn bộ hành vi cướp giật. Ngay sau khi đoạn phim này được tung lên mạng đã tạo nên làn sóng bất bình, phẫn nộ trước hành vi cướp giật táo tợn giữa ban ngày. Hay vụ cướp laptop, đâm chết người và làm bị thương một Đại úy Công an gây bàng hoàng dư luận vào ngày 17/9. Điểm chung của các vụ việc này, đó là tính chất manh động, hung hăng và liều lĩnh của các đối tượng cướp giật. Khi bị bao vây truy đuổi hoặc vấp phải sự chống trả của nạn nhân, chúng bất chấp tính mạng của người khác, sử dụng hung khí gây sát thương cao để tẩu thoát bằng mọi giá. Đa số các đối tượng này đều có tiền án tiền sự, nghiện ma túy, muốn nhanh có tiền mà lười lao động.


Camera lộ trình chiếc ôtô tình cờ ghi lại toàn bộ hành vi cướp giật trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 25/9. ảnh từ clip

Theo Đại úy Trần Thanh Bình, phó đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng PC 45, CA TP.HCM, hiện nay tình trạng cướp giật không chỉ xảy ra với phụ nữ, người già, mà hầu như ai cũng là đích ngắm của bọn tội phạm. Một khi nạn nhân sơ suất hoặc chủ quan không bảo vệ tài sản thì lập tức sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho chúng. Trong trường hợp này, đa số các nạn nhân vì không kịp trở tay nên phản ứng chậm, không truy hô, khiến các đối tượng cướp giật nhanh chóng tẩu thoát. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích- một nạn nhân kể lại: "Tôi trên đường đi làm về ở chợ Gò Vấp, gần Cầu Hang thì gặp một thanh niên đi kè sát bên tôi và giật giỏ xách của tôi. Lúc bị giật giỏ xách tôi hoảng sợ lắm, không hô được “cướp!” mà chỉ ú ớ thôi. Một tháng sau thì chúng tìm đến địa chỉ và cho mình biết là nhặt được cái túi xách đó, kêu mình đến lấy và chuộc lại với giá 200 ngàn".

Thủ đoạn của các đối tượng cướp giật này cũng muôn hình vạn trạng. Theo các chiến sĩ đặc nhiệm, chúng thường đi thành nhóm 7- 10 tên. Một nhóm 2- 4 tên sẽ giả vờ va quẹt với nạn nhân, những tên còn lại nhanh tay móc túi, cướp tài sản trong khi nạn nhân còn đang đôi co với nhóm va quẹt. Hoặc chúng cũng có thể chia làm 2 nhóm, một nhóm cướp tài sản, một nhóm ngăn cản sự truy đuổi của nạn nhân.



Một điều đáng lưu ý nữa, đó là tình trạng cướp giật không còn khoanh vùng tại các khu vực ngoại ô. Có thời gian, thông tin về các vụ giật đồ, cướp tài sản của các cặp tình nhân, công nhân, học sinh tại các khu công nghiệp, trường học…dày đặc mỗi ngày, nhất là những cặp tình nhân thường chọn nơi vắng vẻ để tâm sự. Nhưng hiện nay, ở bất kỳ tuyến đường nào trên địa bàn thành phố cũng có thể xảy ra tình trạng cướp giật. Theo thống kê của Đội đặc nhiệm phòng PC 45 Công an thành phố, thời gian gần đây, các chiến sĩ của Đội đã truy bắt nhiều nhóm cướp giật trên đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, 3 tháng 2, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Trãi, Hùng Vương…Đây đều là những con đường có lưu lượng xe cộ đông, thế nhưng cũng không thoát khỏi tầm ngắm của các băng nhóm cướp giật. Chị Võ Thị Hạnh, ngụ tại Quận Gò Vấp kể lại vụ cướp trên đường Ngô Quyền, quận 5 mà mình là nạn nhân. Chị cho biết khi đó đang ngồi sau xe của một người bạn trên đường từ bệnh viện Nguyễn Tri Phương trở về, thì quan sát thấy 2 chiếc xe với 4 thanh niên có dấu hiệu khả nghi. Chị đã cẩn thận quấn chặt dây túi xách nhưng vẫn bị các đối tượng này ra tay:
"Hai tên giật đồ chạy tới, bất ngờ đưa tay giật túi xách của tôi. Tôi giật mình, lúc đó tâm trạng rất sợ, cứ nghĩ là bị giật mất rồi. Tôi cứ cố ghị, còn hai tên kia cũng cố giật nhưng do tôi cảnh giác, nắm được đầu dây túi xách và ghì chặt lại. Lúc đó xe lảo đảo, nhưng may mà tôi giữ lại được túi xách, sau đó hai tên giật đồ bỏ chạy. Nghĩ lại mà còn run, lúc đó trong đầu óc của tôi cứ sợ đồng bọn của bọn cướp theo dõi để giật lại nữa."

Những tài sản dễ thành mục tiêu của các nhóm cướp giật là laptop, ba lô, túi xách, điện thoại di động, nữ trang…Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn có tâm lý rất chủ quan. Theo quan sát của phóng viên, nhiều chị em phụ nữ vẫn đeo túi xách trên vai khi được chở trên xe gắn máy, hoặc có thói quen đeo nhiều trang sức quý giá khi ra đường. Đàn ông thì lại hay để ba lô, túi xách đựng laptop trên bửng xe mà không gài móc chắc chắn. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho bọn cướp giật ra tay. Do đó, theo Đại úy Trần Thanh Bình, phó đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng PC45, Công an thành phố, người dân nên đề cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ tài sản:
"Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những vụ cướp giật liên tiếp, các đối tượng rất manh động, cho nên nhân dân phải phòng vệ, cảnh giác khi đi đường. Thứ nhất, những tài sản có giá trị phải bỏ vào cốp xe. Thứ hai, khi lãnh tiền trong ngân hàng ra với số tiền lớn thì phải đi xe taxi, hoặc xe con của gia đình. Khi đến nơi thì phải xuống nhìn trước nhìn sau xem có đối tượng nào rình rập xung quanh không".

Trong trường hợp bị cướp, tâm lý bất ngờ khiến nhiều người không kịp phản ứng. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất trong trường hợp này là phải truy hô to cho mọi người biết để cùng hỗ trợ truy bắt. Nhiều trường hợp nạn nhân bị cướp gần các điểm trực chốt nhưng do không truy hô nên không ai biết để hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, người dân cần chú ý bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng thời cần trình báo ngay cho công an nơi xảy ra vụ cướp để có thông tin điều tra, phá án. Mặt khác, cần hạn chế đem tài sản có giá trị ra đường. Khi rút tiền tại các trụ ATM, cần đi 2 người để trông xe và bảo đảm an toàn. Tránh đi ra đường vào tầm giữa trưa, sau 10g tối và trước 6g sáng.


Cuối cùng cũng phải nhận định rằng, hiện nay điều mà người dân thành phố đang rất mong mỏi, đó là nhận được sự bảo vệ sâu sát hơn của các lực lượng chức năng trong việc trấn áp loại tội phạm đường phố này. Ngành chức năng cần kiến nghị tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm này, bởi khung hình phạt hiện tại cho tội cướp giật còn nhẹ, và sau khi được thả ra, các đối tượng này lại tiếp tục phạm tội, tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh cho người đi đường. Do đó, hy vọng rằng trong thời gian tới, lực lượng phòng chống tội phạm của thành phố sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn, có sức trấn áp đồng bộ và quyết liệt hơn với tội phạm cướp giật trên đường phố. Có như vậy thì người dân mới thật an tâm khi đi đường, không còn nỗi thấp thỏm cướp giật lộng hành như hiện nay./