Thu hồi thiết bị điện tử thải bỏ: Chuyện không đơn giản!

(VOH) - Từ ngày 1/7 tới, một số sản phẩm thiết bị điện tử hết hạn sử dụng (điện thoại, máy tính…), pin, ắc quy và sản phẩm thải bỏ là dầu nhớt các loại… sẽ được thu hồi và xử lý theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để người dân tự giác đưa thiết bị cũ đến điểm thu hồi không phải là chuyện đơn giản.

Tháo dỡ thiết bị điện tử thải bỏ (Ảnh: VNTC)

Khó vì... thói quen bán ve chai

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi người Việt Nam thải ra trung bình 1,3 kg rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn trên toàn quốc.

Trong khi đó, theo Chương trình Việt Nam Tái Chế (một liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện – điện tử HP PPS Asia Pacific Pte. Ltd.; Apple South Asia Pte. Ltd.; Microsoft Mobile Vietnam LLC), từ năm 2015 đến nay, đơn vị này chỉ thu hồi được hơn 2 tấn rác thải điện tử tại 10 điểm thu gom trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Đây là con số quá nhỏ so với tổng số rác thải điện tử thải bỏ mỗi năm.

Theo bà Lassernig Miriam, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Reverse Logistic Group Việt Nam, kiêm quản lý chương trình Việt Nam Tái Chế: “Thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt tại Việt Nam là người tiêu dùng còn khá e ngại khi mang thiết bị điện tử đến chương trình vì cho rằng chúng tôi không mang cho họ lợi ích nào!”.

Đây là điều không khó đoán khi phần nhiều người Việt vẫn có thói quen để dành đồ cũ hỏng bán ve chai. Dù chỉ bán được vài ngàn đến vài chục ngàn/một món đồ điện tử hỏng nhưng dường như điều này “hấp dẫn” người dân hơn nhiều so với mang đồ điện tử tới các điểm thu gom.

Nếu được đội ngũ ve chai thu gom, các sản phẩm điện tử thải bỏ sẽ được đưa đến các cơ sở bóc tách linh kiện, kim loại, vỏ máy và bán lại cho các cơ sở tái chế. Điều đáng lo ngại là công nghệ tái chế tại các cơ sở còn lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mỗi món đồ điện tử chứa hàng ngàn vật liệu như dung môi clo, chất chống cháy brôm hóa, nhựa, kim loại nặng, thủy tinh, chất dẻo và các loại khí… Vì vậy, nếu tháo dỡ không đúng quy trình hoặc thải bỏ ra bãi rác thì đây quả thật là mối nguy cực lớn đối với môi trường.

Chì có thể gây tổn thương não ở trẻ em và đã bị cấm từ nhiều sản phẩm tiêu dùng.

Thủy ngân là chất độc với liều lượng rất thấp có thể gây hại não, thận và có thể truyền qua sữa mẹ. Chỉ 1/70 của một muỗng cà phê thủy ngân có thể gây ô nhiễm khoảng 8ha mặt nước hồ.

Cadmium được tích lũy trong cơ thể con người và đầu độc thận.

Chất chống cháy brôm hóa (BFR) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng nội tiết tố quan trọng cho sự phát triển bình thường.

Theo Electronicstakeback

Theo Electronicstakeback, màn hình TV (không phải màn hình phẳng) chứa từ 1,8 – 3,6 kg chì. Trong khi tivi màn hình phẳng chứa ít chì hơn, nhưng lại chứa nhiều thủy ngân. Khoảng 40% các kim loại nặng (chì, thủy ngân và cadmium) tại các bãi chôn lấp đến từ thiết bị điện tử thải bỏ. Đó là chưa kể tới các loại chất bán dẫn, vật liệu nano trong một số thiết bị điện tử chưa được nghiên cứu tác động sức khỏe và sự an toàn.

Cần nhiều chi phí để giảm ô nhiễm từ rác thải điện tử

Việc tái chế thiết bị điện tử không giống như tái chế giấy mà quy trình tái chế khó khăn và tốn nhiều chi phí hơn rất nhiều. Dù vậy, quy trình tái chế sẽ giúp giảm áp lực cho hoạt động xử lý chất thải, có lợi cho môi trường mà còn tăng lợi ích kinh tế khi thu hồi được các vật liệu như thủy tinh, đồng, nhựa, kim loại và kim loại quý để tiếp tục sử dụng trong sản xuất sản phẩm mới.

Chính vì vậy, tại nhiều quốc gia, việc thu hồi các thiết bị điện tử thải bỏ được thực hiện một cách chặt chẽ. Theo tính toán, nếu được tái chế đúng quy trình và an toàn thì 1 triệu chiếc điện thoại di động thì đã có thể tạo ra 9 kg kim loại trắng, 240 kg vàng và 9.000 kg đồng. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tại Việt Nam, Chương trình Việt Nam Tái Chế hiện đang thu hồi các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị lỗi một cách an toàn và xử lý một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa tài nguyên tự nhiên và đảm bảo việc xử lý rác chuyên nghiệp; hướng đến giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng.

Phân loại linh kiện thiết bị điện tử thải bỏ (Ảnh: VNTC)

Các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị hỏng như máy tính xách tay, CPU, điện thoại di động, máy tính bảng, máy photocopy, tivi CRT, các loại pin điện tử… được thu gom tại các địa điểm trong các thùng chứa riêng biệt. Sau khi thu gom bằng các thùng chuyên dụng, các thiết bị sẽ được vận chuyển bằng xe tải chuyên dụng đến trung tâm xử lý rác thải độc hại được đào tạo và cấp phép tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn về môi trường và sức khỏe.

Tại đây, các thiết bị sẽ trải qua quy trình xử lý chuyên nghiệp, bắt đầu từ việc phân loại các thiết bị, tháo dỡ và sau đó tiếp tục phân loại các nguyên liệu theo quy trình xử lý riêng và vận chuyển đến các cơ sở xử lý chuyên dụng khác để tiếp tục xử lý.

Bà Lassernig Miriam chia sẻ: “Chương trình Việt Nam Tái Chế phải mất nhiều chi phí để có thể áp dụng được quy trình tái chế chuyên nghiệp, cũng như các chi phí vận hành chương trình và bộ máy quản trị điều hành. Chúng tôi cần mọi người hiểu được giá trị cốt lõi của chương trình: đây là một dịch vụ miễn phí, được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử”.

Có thể thấy, việc thu gom đồ điện tử dù đã được triển khai trước thời điểm 1/7/2016 nhưng khó khăn hiện hữu vẫn là người dân chưa có thói quen mang rác thải điện tử đến các địa điểm thu gom và điểm thu gom chưa đủ nhiều để người dân có thể thuận tiện tiếp cận. Và có lẽ sẽ còn cần nhiều thời gian và nhân lực để chính sách hữu ích này thực sự mang lại hiệu quả về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.