Thủ tướng: Mạnh dạn thí điểm vấn đề mới, chưa có quy định

(VOH) – Ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, cho ý kiến 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, thực tế biến động nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp. Quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết những yếu tố mới nên còn vướng mắc về cơ chế.

Thủ tướng nhấn mạnh, mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện.

Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Các cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược để xử lý vướng mắc, điểm nghẽn.

Thủ tướng: Mạnh dạn thí điểm vấn đề mới, chưa có quy định 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. 

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp; hài hòa quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội. Bảo đảm tính thống nhất, liên thông của hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,…

Về một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023.

Về nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi Chương trình.

Tại cuộc họp, về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi.

Cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án.

Vai trò của địa phương trong quản lý, chăm lo nhà ở cho người dân cần được phân cấp mạnh mẽ hơn, nhất là xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần theo hướng "vấn đề nào thị trường làm tốt thì nhà nước không can thiệp". Các vấn đề của thị trường bất động sản như lệch pha cung cầu, giá không hợp lý, không phù hợp với người dân cần được giải quyết thông qua quy hoạch, giám sát.