Thực địa khảo sát tình hình ngập, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập ở TPHCM: Vui ít, lo nhiều

(VOH) - Đoạn tường chắn rạch Gò Dưa ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức là một trong số ít những công trình chống ngập được đánh giá tốt, bên cạnh nhiều dự án chống ngập khác vẫn chưa thể tham gia hiệu quả vào công tác chống ngập nước ở TP hiện nay.

Đây là đánh giá của đoàn khảo sát do đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP dẫn đầu cùng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín và ban ngành chức năng đi thực địa tình hình ngập cũng như tiến độ thực hiện các dự án chống ngập ở TP vào sáng 23/10.    

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cùng đoàn khảo sát ở rạch Ông Đụng, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh: Lê Nguyễn

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, tính đến ngày 15/10 đã có gần 70 trận mưa gây ngập nặng, lượng mưa từ năm 2007-2010 hiện cũng ở mức cao nhất trong gần 30 năm qua. Đây là ảnh hưởng từ những diễn biến phức tạp của tình trạng Biến đổi khí hậu thời gian gần đây.  

Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP đã lưu ý sát sao vấn đề này và qua chuyến thực địa, đoàn khảo sát đặt ra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quy cách kỹ thuật các công trình, nguyên vật liệu xây dựng, tiến độ thi công cũng như quy hoạch tổng thể.  

Bờ bao rạch Ông Đụng ở phường Thạnh Lộc, quận 12 nhiều lần bị bể khi có triều cường hoặc mưa lớn tiếp tục gây lo lắng. Khi đoàn khảo sát đến thực địa tại đây, một nhóm công nhân đang hì hục đắp bùn đất và đóng cọc xà cừ khá thô sơ. Với bờ bao “chấp vá” như vậy, rất khó để đứng vững trước những đợt nước lớn. Đáng lo hơn khi giải trình với đoàn khảo sát, nhà thầu gói 5A vẫn chưa có bản vẽ kế hoạch mới chi tiết nào. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín cho biết:  

Đoạn đê tường chắn rạch Gò Dưa ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức dài 225 mét với chất liệu nhựa tổng hợp uPVC được đoàn khảo sát đánh giá cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh đây là công nghệ mới, có nhiều ưu điểm như giá thành một đoạn đê dài 1 mét chất liệu uPVC là 6 triệu đồng trong khi đê bao cọc xà cừ thủ công đã tốn hết 3-4 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín trao đổi xoay quanh về chất lượng của loại đê tường chắn này:    

Trạm bơm Thanh Đa, quận Bình Thạnh được đưa vào sử dụng từ ngày 10/10/2010 bắt đầu phát huy tác dụng với 2 máy bơm công suất mỗi máy 1250 m3/giờ phối hợp với hồ điều tiết dung lượng 15.000 m3. Tuy nhiên, tương tự với trạm bơm ở phường 15, quận 8, các công trình này vẫn còn trì hoãn bàn giao do vướng một số thủ tục nên chưa thể phát huy hết công suất đầu tư. Đoàn khảo sát yêu cầu UBND quận và các đơn vị có liên quan phải nhanh chóng giải quyết khâu thủ tục vì hiện đã trễ hạn dự kiến gần 1 năm. Mặt khác, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cần làm “dứt điểm” để có thể tiếp tục xây dựng nhiều trạm bơm tiếp theo.    

Tại công trình cống Ba Thôn ở quận 12 đã được bê tông hóa hoàn chỉnh, đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP nhận định cần thay thế toàn bộ bờ bao cọc xà cừ thô sơ bằng hệ thống đê bao bê tông đồng bộ tương tự như mô hình này. Theo đồng chí, với nhu cầu xây dựng cao như hiện nay, TP cần đầu tư nghiên cứu công nghệ để tự sản xuất và cung ứng cho nhu cầu này. Ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy dẫn chứng về công trình mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước đây:    

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết TP có khoảng 4000 km đường kênh rạch, nên những công trình đê bao hay trạm bơm nước trong thời gian tới cần tiếp tục được xây dựng nhân rộng. Bên cạnh những khó khăn vướng mắc hiện tại, sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Đảng bộ và chính quyền TP sẽ là động lực quan trọng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống ngập, giải quyết bức xúc về tình trạng ngập nước của người dân TPHCM hiện nay./.