Thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng năm 2017 là 6,7%

(VOH) - Ngày 3/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017.

Đánh giá về  tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều thuận lợi. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,53% so với tháng 4/2017; thu hút FDI tăng trưởng tốt; dịch vụ, du lịch tăng; việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả…Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; nông nghiệp còn khó khăn; nhập siêu lớn...

Qua thảo luận, phiên họp thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2017 tiếp tục có diễn biến tích cực hơn so với tháng 4/2017. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; chỉ số giá (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ngân hàng ổn định. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng. Dịch vụ phát triển khá ổn định, tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số tồn tại, thách thức của 4 tháng đầu năm mặc dù đã được quan tâm, giải quyết một phần nhưng vẫn còn kéo dài sang tháng 5. Nguy cơ dịch bệnh trong nông nghiệp vẫn còn lớn; giá cả nông sản trong nước chưa phục hồi hoàn toàn, nhất là giá thịt lợn hơi; ngành khai khoáng tuy đã có cố gắng nhưng vẫn ở mức giảm sâu; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng trưởng nhưng còn chậm so với yêu cầu; nhập siêu đã có cải thiện nhưng vẫn còn cao so với mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là vốn tư nhân và FDI còn thấp so với yêu cầu;…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém phải tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian tới. Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 là hết sức nặng nề, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình; nhận diện rõ cơ hội, thuận lợi và khó khăn thách thức để chủ động có các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Trước hết là phải thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng năm 2017 là 6,7%. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...); bảo đảm tăng tín dụng theo kế hoạch (khoảng 18%) để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém  theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của cá nhân người gửi tiền.

Tập trung theo dõi sát, kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 và 5 năm 2016-2020; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân hoặc vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư công, nhất là ở các cấp cơ sở.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hằng tháng. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đề xuất, thực hiện các hàng rào kỹ thuật phù hợp để kiểm soát nhập khẩu, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.