Tiên phong trên mặt trận tư tưởng

(VOH) - Ngày 1/8/1930, cách đây 85 năm, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng ta xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8” nhằm giải thích nguồn gốc chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ: Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành. Tài liệu này phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời. Từ đó, ngày 1 tháng 8 đã trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu quý giá, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo - ngày 1/8 mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc. Hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, công tác tư tưởng của Đảng đã trải qua 85 năm đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, khó khăn, phức tạp trên trận địa tư tưởng - văn hóa, đã góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta.

Đồng chí Thân Thị Thư tặng hoa chúc mừng cán bộ Tuyên giáo nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tuyên giáo. Ảnh: CAO THĂNG/SGGP

Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng. Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác tư tưởng, tuyên giáo. Bác xác định: Công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng ta, dân tộc ta.

Trải qua 85 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng phát triển, ngày càng đông đảo và trưởng thành. Dạn dày trong đấu tranh cách mạng, hòa mình vào phong trào nhân dân, nhiều thế hệ những người làm công tác tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tống Viết Xuân, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Thành ủy (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) cho rằng: Từ khi Đảng thành lập, công tác tuyên truyền đồng thời ra đời, lúc đó công tác tuyên truyền rất sâu rộng. Từ khi còn là học sinh, ông đã được tuyên truyền và hiểu rõ yêu nước là phải đứng lên chống lại bọn thực dân xâm lược. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã nung nấu lý tưởng đi kháng chiến và cũng từ đó, ông đã gắn bó với công tác tuyên truyền trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau khi đất nước được giải phóng, ông tiếp tục làm công tác tuyên giáo cho đến khi về hưu năm 1997.

Dành cả cuộc đời gắn bó với công tác tuyên giáo, ông Tống Viết Xuân nhận ra rằng người làm công tác tuyên giáo lúc nào cũng phải đi đầu, đi trước để tuyên truyền cách mạng; đi đầu để giải quyết mọi suy nghĩ, hành động và để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hiện nay, ông nhìn nhận những người làm công tác tuyên giáo có nhiều điều kiện hơn, được học hành, đào tạo bài bản hơn, đó là nền tảng rất tốt. Tuy nhiên, tuyên giáo là một công việc đòi hỏi luôn có sự chủ động: "Công việc không dừng lại, cho nên muốn chủ động, công tác tuyên giáo phải vừa lý luận vừa đi vào thực tiễn công việc của mình, để  kịp thời rút kinh nghiệm đúng sai, kịp thời phát huy nhân tố mới và hạn chế thiếu sót, như vậy phải thực tiễn, phải tổng kết, không thực tiễn, không tổng kết thì không có lý luận để chủ động được. Công tác tổng kết thực tiễn để đi vào lý luận sáng tạo đòi hỏi phải thâm nhập vào quần chúng".

Cũng là người công tác trong lĩnh vực tuyên giáo suốt nhiều năm, ông Cao Xuân Phách - nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TPHCM nhận thức rõ vị trí hàng đầu của công tác tư tưởng văn hóa trong các thời kỳ, nhất là từ những năm đầu sau giải phóng, công tác tuyên giáo đã góp phần rất lớn vào việc ổn định tư tưởng, chính trị, xã hội. Để vượt qua thách thức khó khăn thời kỳ ấy, đặc biệt giai đoạn đầu đổi mới đất nước, đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố luôn xung kích, đi đầu để tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; đi sâu vào cuộc sống tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, từ đó tuyên truyền, nhân rộng trong xã hội. Sau này khi bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của công tác tư tưởng văn hóa càng được khẳng định hơn nữa, góp phần không nhỏ trong thành tựu chung của đất nước và thành phố.

Theo ông Cao Xuân Phách, một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành Tuyên giáo chính là sự quan tâm sâu sát của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố đến công tác này. Các nhà lãnh đạo - đồng thời là bậc thầy của công tác tuyên giáo, đã trở thành những tấm gương cho đội ngũ cán bộ noi theo. "Trong lĩnh vực công tác tuyên giáo, đội ngũ trước hết phải tự mình rèn luyện, được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, nên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp của mình, hiện nay thông tin nhiều phía, kỹ thuật số phát triển, nên đội ngũ phải trau dồi lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, ý thức trách nhiệm với xã hội, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên không lơi lỏng, phải chú ý công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh, trình độ về nhận thức chính trị của mình thì mới thực hiện việc đi đầu trong công tác tư tưởng", ông Phách chia sẻ.

Công tác tuyên giáo ở mỗi thời kỳ đều có những yêu cầu được đặt ra và yêu cầu ấy xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Cuộc sống luôn thay đổi và như vậy, công tác tuyên giáo phải thay đổi, phát triển cho phù hợp với tình hình. Chẳng hạn trình độ dân trí ngày càng cao thì người làm công tác tuyên giáo phải lắng nghe nhiều hơn, từ đó ghi nhận và phản ánh ý kiến của nhân dân nhằm góp phần cho những chủ trương, quyết sách của Đảng phù hợp với lòng dân.

Theo nhận định của bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: hiện nay công tác tuyên giáo gặp không ít khó khăn vì tình hình diễn biến của xã hội ngày càng phức tạp, do vậy đòi hỏi những cán bộ làm công tác tuyên giáo phải trang bị kiến thức vững vàng, dự báo chính xác tình hình, nắm chắt dư luận để kịp thời thông tin đến nhân dân. "Người làm công tác tuyên giáo phải bám sát mục tiêu lý tưởng cách mạng, đường lối chính sách của Đảng, sự lãnh đạo của cấp ủy, phải gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào hành động của quần chúng. Công tác tư tưởng phải gắn với hành động, nói đi đôi với làm, công tác tư tưởng yêu cầu phải phân tích đúng hoàn cảnh, phân tích đúng đối tượng, dự báo tình hình chính xác và phải chủ động làm công tác tư tưởng, nếu những người làm công tác tuyên giáo làm được những điều đó thì mới thực sự là những người truyền lửa, truyền tình cảm cách mạng, truyền niềm tin và lý tưởng cộng sản cho nhân dân", bà Thư cho biết.

Là một thế hệ trẻ tham gia công tác trong lĩnh vực tuyên giáo hơn 2 năm, chị Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Bí thư thường trực Quận Đoàn 4 phụ trách công tác tuyên giáo cho rằng: để làm tốt công tác trong tình hình hiện nay đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải nắm vững kiến thức, để có thể tuyên truyền, định hướng và phản biện với những tác động từ nhiều phía đến thanh niên hiện nay. Chị lĩnh cho biết: "Bản thân chúng ta phải là người giữ vững, nắm rõ, xác định rõ lập trường, vị trí của mình để có định hướng đúng cho các bạn và là một trong những người phản biện, góp phần minh chứng thêm những nội dung đã đề ra, để củng cố niềm tin và giáo dục các bạn thế hệ trẻ hiện nay".

85 năm, đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã không ngừng hoàn thiện, trưởng thành theo từng bước đi lên của sự nghiệp cách mạng. Các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Trước những diễn biến trên thực tiễn của đất nước, tình hình thế giới và khu vực, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng hơn bao giờ hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước mọi biến cố, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.