Tổng ngân sách dự kiến khoảng 40 tỉ đồng mỗi năm.
Theo UBND TPHCM, đây là bước đi cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí ngân sách cho các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ cán bộ không chỉ thành thạo chuyên môn, mà còn có năng lực thích ứng với hội nhập quốc tế. Chính quyền TPHCM kỳ vọng nghị quyết này sẽ góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả.
Để thực hiện, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo lập dự toán, quyết toán hàng năm, tuân thủ theo quy định ngân sách. Trong số này, kinh phí dành cho các đề án trọng điểm như Đề án 01/2021 và Đề án 04/2021 chiếm phần lớn.
Cụ thể, Đề án 01/2021 dự kiến cần 36 tỉ đồng trong giai đoạn 2022-2025, khoảng 9 tỉ đồng/năm. Đề án 04/2021, với tổng kinh phí hơn 15,2 tỉ đồng, sẽ được phân bổ theo từng năm. Một phần ngân sách ước tính 6 tỉ đồng mỗi năm sẽ dành cho bồi dưỡng cán bộ các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại cấp thành phố, huyện và xã.
Đối với viên chức, thành phố dự kiến chi khoảng 25 tỉ đồng mỗi năm cho các chương trình bồi dưỡng trong nước và thêm khoảng 7 tỉ đồng dành cho đào tạo ở nước ngoài. Các đề án và chương trình đào tạo bổ sung theo kế hoạch của Thành ủy và UBND TPHCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục được xây dựng và cân đối ngân sách.
Chính sách hỗ trợ đặc thù này dự kiến kéo dài đến năm 2035, nhằm hướng tới một đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, đồng thời thành thạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai.