TPHCM khẩn trương thực hiện 7 chương trình đột phá

(VOH) - Hội nghị triển khai nghị quyết Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2016 diễn ra vào sáng nay 30/12 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM. Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy cùng dự.

Chuẩn bị nguồn thực phẩm an toàn phục vụ Tết

Về công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016, theo Sở Công Thương, do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân cách nhau hơn 1 tháng và thời gian nghỉ Tết dài ngày (từ ngày 6/2 đến 14/2/2016) nên dự báo sức mua sẽ tăng khoảng 15-20% so với tết Ất Mùi 2015.

Nguồn hàng chính từ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% thị phần, các nguồn cung ứng từ các chợ đầu mối chiếm từ 60-70% thị phần, còn lại các doanh nghiệp khác chiếm từ 10%-20% thị phần.

Để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngân hàng chuẩn bị khoảng 45.000 tỷ đồng. Riêng ngân hàng Sacombank triển khai gói vốn 1.500 tỷ đồng cho các tiểu thương chợ truyền thống vay.

Ngoài ra, 11 ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng đã đăng ký hỗ trợ cho 85 doanh nghiệp bình ổn thị trường vay với tổng nguồn vốn lên đến 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng với lãi suất từ 5-6%/ năm.  

TP.HCM cũng đã ký kết 482 hợp đồng với 30 tỉnh, thành để cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, hoa tươi vào hệ thống phân phối chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Về phía Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến kiến thức về lựa chọn thực phẩm an toàn, khuyến cáo về nguồn thực phẩm không an toàn và thực phẩm sạch để người dân lựa chọn. Năm 2016, thành phố sẽ rà soát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở trồng rau, chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tập huấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp giám sát chất lượng VietGap, chọn ngẫu nhiên các mẫu để xét nghiệm, kiểm tra cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng hỗ trợ chợ truyền thống trang bị hệ thống làm mát, quầy bán thịt đảm bảo vệ sinh, kho bảo quản giữ lại mẫu để xét nghiệm các mẫu rau, thịt, sắp xếp lại các khu vực kinh doanh hóa chất thực phẩm riêng biệt với các khu kinh doanh hóa chất công nghiệp để hạn chế tình trạng mua bán hóa chất tràn lan.

Từ năm 2011 thành phố đã xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và năm 2016, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chuỗi thực phẩm an toàn này. Thành phố sẽ ký kết với 25 tỉnh, thành để hợp đồng trong quản lý xây dựng chuỗi, thiết lập giám sát cảnh báo phòng ngừa ngộ độc thực phẩm…

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo - Ảnh: Lệ Loan

Cần có sự phối hợp liên ngành đồng bộ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng nhận định: Năm 2016 có ý nghĩa rất lớn và quan trọng bởi vì là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2016-2020), cũng là năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và Đại hội 10 của Đảng bộ thành phố. Vì vậy, đòi hỏi các đề án, chương trình kế hoạch phải có tính tổng thể.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, tập thể và lộ trình thực hiện các công việc. Ngoài những mục tiêu trong kế hoạch phải hoàn thành, những việc phát sinh là rất lớn đòi hỏi các sở ngành, quận huyện phải bám sát kế hoạch để thực hiện. Trong đó, từng kế hoạch phải có tính cụ thể cao và linh hoạt trong điều hành, xử lý.

Phó Bí thư thường trực Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế hiện nay của thành phố. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tuy đứng thứ 4, nhưng thành phố có ba điểm đánh giá dưới trung bình, đó là tính năng động trong điều hành; chi phí tiếp cận thị trường còn cao, chi phí không chính thức còn nhiều; tính công bằng trong đối xử giữa chính quyền với các doanh nghiệp chưa cao.

Ông Thưởng đề nghị cần khắc phục những yếu kém này, trước mắt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, rà soát trách nhiệm của chủ đầu tư, các sở ngành. Trong xây dựng các chương trình đột phá, cần có sự phối hợp liên ngành đồng bộ, cải cách hoàn thiện các thể chế.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo lộ trình thực hiện các kế hoạch 2016, đặc biệt là 7 chương trình đột phá - Ảnh: Lệ Loan.

TP.HCM hiện có 245.000 doanh nghiệp, chính quyền đia phương cần tạo ra môi trường chung cho doanh nghiệp hoạt động, đề xuất giải pháp, mạnh dạn quyết định những vấn đề trong thẩm quyền và kiến nghị với Trung ương những vấn đề lớn còn vướng mắc. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính.

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong xử lý, điều hành

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2016, tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP cho biết: Thành phố đang khẩn trương thực hiện 7 chương trình đột phá, trong đó, đột phá từ tư duy, giải pháp, đến triển khai, tổ chức thực hiện.

Theo ông Phong, khâu tổ chức thực hiện là khâu cực kỳ quan trọng. Trong đó, đề cao trách nhiệm cá nhân với công việc được giao, xây dựng tinh thần lao động sáng tạo, chủ động bằng giải pháp cụ thể, tránh chung chung, phát huy vai trò, gương mẫu của người đứng đầu. Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị:

Ông Phong cũng cho rằng, công tác phối hợp với các ngành các cấp cần phải đồng bộ, chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng ngành, trách nhiệm của người điều phối để tránh chồng chéo; bám chắc cơ sở, nhanh nhạy đối với những vấn đề phát sinh và có hướng xử lý kịp thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong xử lý, điều hành.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tiếp dân và đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân; công khai minh bạch, làm việc khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, nói ít làm nhiều, làm có hiệu quả.