VĐHN: Thành phố xây chắc nền nông nghiệp đô thị

(VOH) - Nhờ những chủ trương chính sách đúng đắn kịp thời đã tạo tiền đề để loại hình nông nghiệp đô thị dần định hình và phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay ở thành phố mang tên Bác.

Để phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố thì nhiệm vụ của các ngành, các cấp là vừa phải đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, vừa phải đảm bảo sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cây trồng – vật nuôi trong mối quan hệ hợp tác liên kết với các tỉnh trong khu vực, cả nước và quốc tế.

Cách đây hơn 10 năm khi quá trình đô thị hóa bắt đầu diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người nghĩ ngành nông nghiệp ở những nơi này sẽ đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ với diện tích đất ngày càng thu hẹp, trong khi tập quán sản xuất của người nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ, thị trường đầu ra nông sản bấp bênh, làn gió hội nhập sẽ làm cho người nông dân vốn khó lại càng thêm khó. Liệu ngành nông nghiệp ở những khu vực này có đủ sức chuyển mình kịp với hoàn cảnh mới, thách thức mới? Tất cả đều không dám nghĩ tới mà chỉ biết rằng phải cố gắng vượt qua bằng trí tuệ, tinh thần chịu khó cùng sự đồng thuận của ý Đảng lòng dân.

Trước những khó khăn ấy, TPHCM đã đề ra nhiều chương trình thiết thực sát với hoàn cảnh lúc bấy giờ như Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây, kiểng, cá cảnh trên địa bàn; Chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi cùng những chính sách hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi thông qua các Quyết định 105/2006 và 15/2009 về cho vay vốn... Chính nhờ những chủ trương chính sách đúng đắn kịp thời đó đã tạo tiền đề để loại hình nông nghiệp đô thị dần định hình và phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay ở thành phố mang tên Bác và trả lời được câu hỏi người nông dân phải làm gì trong điều kiện đất đai bị thu hẹp. 

Thực tế đã chứng minh, sau một thập kỷ phát triển, thu nhập người nông dân đã được cải thiện rất nhiều. Hiện hiệu suất canh tác trên một hecta đất nông nghiệp của TPHCM đạt trên 280 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với trước. Điều đáng nói là có nhiều diện tích trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh của nông dân thành phố đang cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Kết quả này càng minh chứng rằng nông nghiệp đô thị đang được phát triển một cách đúng hướng.

Robot phun thuốc sinh học cho cây giống trồng trong nhà kính - Sản phẩm sáng tạo của sinh viên của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - Ảnh: Khoahoc.

Vấn đề hạn chế còn lại, có chăng chính là làm sao tăng cường hơn nữa tính liên kết vùng để phát huy hết tiềm năng và nội lực mà ngành nông nghiệp thành phố hiện đang có. Đó là nông nghiệp chất xám, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các Viện - Trường và các cơ quan nghiên cứu đóng trên địa bàn TPHCM cũng như là nông nghiệp dịch vụ thương mại trên cơ sở thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Tuy vẫn biết hiện nay, đây đó nông dân vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm đầu ra, nhưng hy vọng với định hướng phát huy các ngành mũi nhọn, cùng việc xác định liên kết để tạo sức bật là những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong giai đoạn tới thì khó khăn này của người nông dân sẽ được giải quyết phần nào. Để trên cơ sở đó, nông nghiệp đô thị TPHCM phải đạt được 4 mục tiêu ban đầu mà nó đặt ra là: Nâng giá trị sử dụng đất; Tăng thu nhập cho người lao động; Nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong điều kiện hội nhập; ngoài ra nông nghiệp đô thị còn nhắm đến mục tiêu là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với con người, với xã hội.