Việt Nam đã sẵn sàng cho Giờ trái đất

(VOH) - Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đang đếm ngược từng ngày hướng đến sự kiện môi trường lớn nhất trong năm: Giờ trái đất 2012 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ bảy tuần cuối cùng của tháng 3. Tại TPHCM, sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra tại khu vực trước Nhà hát thành phố.

Ảnh: internet

Chiến dịch giờ trái đất được khởi xướng và bắt đầu vào năm 2007 tại Sydney, Australia khi có 2,2 triệu gia đình và doanh nghiệp tắt đèn trong đêm để hạn chế quá trình biến đổi khí hậu. Sau 4 năm thực hiện, giờ trái đất đã phát triển rộng khắp toàn cầu và từng bước thay đổi nhận thức của con người trong việc bảo vệ môi trường sống. Đây là năm thứ 3 nước ta hưởng ứng sự kiện này với rất nhiều hoạt động rầm rộ đã được tổ chức từ đầu năm đến nay và cho đến thời điểm này như những gì chúng tôi ghi nhận được thì khá nhiều người dân và các tổ chức đã sẵn sàng cho Giờ trái đất.

Từ nhiều ngày trước, em Lê Ngô Minh Đăng, học sinh lớp 7, trường Huỳnh Khương Ninh tại thành phố Vũng Tàu đã tích cực vận động bạn bè cùng mình tham gia vào sự kiện này. Năm 2011 là lần đầu tiên Minh Đăng và gia đình tham gia tắt đèn dù chỉ là một giờ, nhưng bản thân em đã quan tâm hơn đến môi trường, về hiện tượng trái đất nóng lên:

Năm nay, cùng với ca sĩ Thanh Lam, hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh, ca sĩ Tùng Dương được mời làm đại sứ cho giờ trái đất và tham gia rất nhiều hoạt động tuyên truyền cho chiến dịch giờ trái đất tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội. Không chỉ vậy, ca sĩ Tùng Dương còn quyết định mua một chiếc xe đạp để quảng bá sự kiện bằng cách một tuần đạp xe một lần thay vì đi xe hơi hay xe máy, bên cạnh đó, anh còn giảm sử dụng túi ni lông nhựa bằng túi sản xuất bằng các chất liệu thân thiện với môi trường. Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ:

Rất nhiều gia đình ở TPHCM cũng đang nóng lòng chờ đón giờ trái đất. Anh Nguyễn Thanh Phong, nhà ở huyện Nhà Bè cho biết, năm ngoái khi xem một số hình ảnh về giờ trái đất anh đã rất hào hứng và khi tìm hiểu về hoạt động này để giải thích cho người thân trong gia đình, anh Phong đã biết thêm nhiều thông tin về vấn đề biến đổi khí hậu mà bấy lâu nay anh không mấy quan tâm:

Năm 2011, giờ trái đất nhận được sự ủng hộ của khoảng 1,8 tỷ người tại 5.200 thành phố tại 135 nước và vùng lãnh thổ.  Năm nay với thông điệp “Tôi và bạn hãy cùng hành động” đi cùng chiến dịch trong suốt cả năm, ban tổ chức giờ trái đất mong muốn rằng chỉ cần hành động thì hoàn toàn có thể tạo ra sự thay đổi. Từ hành động nhỏ nhất của giờ trái đất là tắt đi những ánh sáng và thiết bị điện không cần thiết trong một giờ đồng hồ thì sẽ tạo nên hiệu quả tuyên truyền lớn hơn: như dùng bóng đèn tiết kiệm điện, đọc báo điện tử thay vì đọc báo in...

Nếu như những năm trước hoạt động của giờ trái đất được thực hiện trong ánh nến lung linh thì năm nay hành động này cũng được kêu gọi không nên thực hiện vì nếu tắt đèn, thắp nến thì cũng là hành động gây lãng phí tài nguyên, không giúp cho trái đất  bớt nóng đi. Sau 3 năm thực hiện, những hoạt động cho giờ trái đất không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà còn có những dự án cụ thể như lắp đặt thử nghiệm đèn ánh sáng mặt trời bằng chai nước đã qua sử dụng trên mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, thì phần còn lại tiếp xúc với không gian sống sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn từ 55W đến 60W. Sắp tới dự án này còn được nhân rộng ở các quận 3, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp. Chị Hoàng Thị Minh Hồng, điều phối viên của diễn đàn 350.org bày tỏ ý kiến:

Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với quá trình biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc  nếu mực nước biển tăng 1 mét, Việt Nam  sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% GDP. Do đó, hơn bất kỳ quốc gia nào, nước ta cần phải đẩy mạnh các hoạt động quảng bá cho chiến dịch "giờ trái đất" và không chỉ gói gọn một giờ trong năm mà trong suốt 365 ngày, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống./.