Đến viếng có Đoàn các cơ quan Trung ương Đảng phía Nam do ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư, Chánh văn phòng Trung ương Đảng dẫn đoàn, Đoàn Lãnh đạo Thành uỷ do Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu và đoàn của các tỉnh, thành phố, lực lượng vũ trang, đoàn các nước.
Đoàn Lãnh đạo Thành ủy viếng Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh: Tuyết Nhung
Trang trọng viết vào sổ tang tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi: “Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân, cán bộ chiến sĩ TPHCM vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ vị tướng tài ba quả cảm trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư Lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân viết sổ tang tại lễ viếng Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh: Tuyết Nhung
Đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sáng nay có đại tá Đinh Công Ty, Phụ trách Ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn TPHCM, giai đoạn kháng chiến ông là Chính uỷ Trung đoàn 11 Xe. Ông cho biết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có thời gian dài gắn bó, tham gia chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng, góp phần vào quá trình thắng lợi của cách mạng và thống nhất đất nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lê Đức Anh lúc bấy giờ phụ trách cánh quân phía Tây Nam, Bến Lức - Long An, tấn công tạo điều kiện cho các cánh quân của các quân đoàn giải phóng Sài Gòn.
"Đồng chí là vị tướng tài giỏi, đức độ, tác phong giản dị, sâu sát đến cấp dưới. Chúng tôi là người lính, người cấp dưới rất thương tiếc người tướng tài, công lao như thế. Đặc biệt ở phía Nam, nhờ cái tài giỏi của Đại tướng phụ trách Quân đoàn 323 để dẹp các đồn bốt, từ Bến Lức - Long An trở vào, phối hợp với 5 cánh quân của 4 hướng tấn công giải phóng Sài Gòn", đại tá Đinh Công Ty.
Trong dòng người nối dài đến viếng vị tướng tài ba của dân tộc, ông Bùi Xuân Thu, Chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 125 – Tàu Không số nhớ lại: “Những năm 60, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh bấy giờ còn đang là Đại tá. Các chú ở Tàu không số, đơn vị của chú chở đồng chí Lê Đức Anh vào Cà Mau. Đồng chí Lê Đức Anh mất đi là một tổn thất lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một đồng chí có tài và có công với đất nước với dân, vì vậy đồng chí mất đi là một tổn thất lớn cho quân đội ta, nhân dân ta, đất nước ta”.
Ông Bùi Xuân Thu, Chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 125 – Tàu Không số chia sẻ kỷ niệm về Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh: Lệ Loan
Biết nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua các phim tư liệu, phóng sự, tiểu sử, quá trình đóng góp, đoàn viên Doãn Huy Hiếu, Đoàn Thanh niên Sở Y Tế, cảm phục rất nhiều những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước: "Từ ngày xưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng là một trong những đồng chí hướng nhân dân tới thắng lợi ngày 30/4/1975, một trong những người đi đầu. Thời bình, ông làm Chủ tịch nước và đã lãnh đạo cho đường lối chính sách xây dựng Việt Nam ở thời kỳ đầu. Em cũng khá ấn tượng. Xem những phim tư liệu, khi phỏng vấn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất là thân thiện, người đã dành hết sức, cả cuộc đời cho đất nước Việt Nam, cống hiến rất là nhiều từ tuổi trẻ cho đến sau này"
11 giờ trưa nay diễn ra Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng sẽ diễn ra lúc 17 giờ cùng ngày tại nghĩa trang TPHCM.
(VOH) - Linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội)