Chờ...

Vụ xả dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào

(VOH) – Từ vụ nước nhiễm bẩn trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, bên hành lang quốc hội, các đại biểu đề nghị cần đảm bảo an ninh nguồn nước,...

Từ vụ nước nhiễm bẩn trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, bên hành lang quốc hội, các đại biểu đề nghị cần đảm bảo an ninh nguồn nước, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, nếu vượt tiêu chuẩn an toàn phải đóng nguồn nước và có phương án dự phòng.

Theo các đại biểu, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường là lĩnh vực rất cần thiết được Chính phủ và người dân quan tâm, vì ảnh hưởng đến sức khoẻ của từng người dân, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề vi phạm nước sạch, vệ sinh môi trường trong thời gian qua, đặc biệt là trong vụ việc xảy ra tại Hà Nội, nguyên nhân cơ bản là do các doanh nghiệp quản lý nước thiếu chặt chẽ. 

Vụ xả dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào

Từ vụ xả dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, các đại biểu đề nghị cần đảm bảo an ninh nguồn nước. Ảnh: VTC

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai), từ vụ việc này mới phát hiện ra lỗ hổng, một nguy cơ rất lớn đối với nguồn nước đang được sử dụng xử lý thành nước sinh hoạt cho người dân. Đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn, vụ việc này được cho là sự tùy tiện xả thải dầu của một doanh nghiệp, vậy nếu đây là âm mưu phá hoại thì sẽ như thế nào. Bởi chất thải xả xuống nguồn nước có thể nói là thảm họa. Rõ ràng, vụ việc xảy ra do sự quản lý lỏng lẻo. Cần nhìn nhận lại, quá trình xã hội hóa là đúng nhưng có những lĩnh vực chúng ta không được buôn lỏng toàn bộ cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp chắc chắn họ tìm lợi ích là điều rõ ràng, nhưng họ có đầu tư tương xứng với trách nhiệm không, đó là điều chưa kiểm soát được. Có thể có những lĩnh vực dịch vụ công như thế, nhà nước phải tham gia vào chứ không thể buông lỏng. Chính vì thế lần này là cơ hội để chúng ta xử lý thật nghiêm trên cả 2 phương diện, thứ nhất là nơi cung cấp nước. Anh không thể lấy lý do nào biện bạch. Nghiêm hơn nữa chính là cơ quan quản lý nhà nước, buông lỏng như thế. Tôi nhắc lại, giả dụ như đây là một âm mưu đầu độc thì hậu quả như thế nào. May đây chỉ là do sự tùy tiện và quản lý lỏng lẻo. Vì thế, tôi cho rằng đây là cơ hội để chúng ta xem xét lại toàn bộ và khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Theo các đại biểu, từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân. Trong khi đó, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Phân tích một số quốc gia trên thế giới có cách làm, bảo vệ nguồn nước sạch, đại biểu Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị để đảm bảo nguồn nước không nên để người dân tiếp cận nguồn nước làm kinh tế. Đồng thời thường xuyên kiểm tra chuẩn nước đầu ra, nếu vượt tiêu chuẩn an toàn phải đóng nguồn nước và có nguồn nước dự phòng để thay thế.

“Thứ nhất, phải có tiêu chuẩn nguồn nước đầu vào. Sau đó tiếp tục giám sát nguồn nước tiêu chuẩn đầu ra. Tôi nghĩ phải lắp đặt trạm quan sát tự động ở nguồn nước đầu vào và đầu ra. Khi phát hiện có sự cố ở nguồn nước đầu vào thì chặn ngay để tìm phương án xử lý. Nếu không xử lý được thì chuyển sang phương án dự phòng. Do đó, sông Đà phải tìm kiếm nguồn nước dự phòng khác. Chúng ta nên có quy định chặt chẽ, nguồn nước đi vào qua xử lý, hệ thống kiểm soát chặt, tránh tình trạng xả thải lén không biết”, đại biểu Lê Công Nhường bày tỏ.