Xây dựng thang điểm kỹ thuật và lành mạnh hóa thị trường

(VOH) - Đã 5 năm từ khi TPHCM triển khai bình ổn các mặt hàng dược phẩm đến với người dân. Chương trình ngày càng thu hút các doanh nghiệp sản xuất thuốc cùng số lượng mặt hàng thuốc ngày càng tăng.

Hiện có gần 600 mặt hàng bình ổn tại hệ thống bán lẻ của hơn 3100 nhà thuốc đạt chuẩn GPP.  Với giá thấp hơn thị trường từ 5 %- 10%. thông qua kênh bán lẻ, người tiêu dùng được lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nói về gánh nặng y tế thì chi phí của bệnh nhân lại bỏ ra nhiều hơn so với điều trị nội trú. Câu chuyện làm sao để thuốc nội đạt chất lượng ngày càng chiếm thị phần trong bệnh viện vẫn tiếp tục đặt ra. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TPHCM – Chủ tịch Hội dược học TP phải đảm bảo 2 yếu tố cần thiết là : xây dựng thang điểm kỹ thuật đảm bảo chất lượng và giá cả, đồng thời phải lành mạnh hóa thị trường. Bà Phong Lan đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNND TPHCM về các vấn đề này:

* Thưa bà, chương trình bình ổn giá thuốc năm 2015 trên địa bàn TPHCM đã thu được những kết quả ra sao ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan : Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm nằm trong các chương trình chung của UBND TPHCM. Đây là năm thứ 5 chúng tôi tiến hành. Nếu nói về số lượng thì đều có tăng. Tăng đầu tiên là lượng đầu thuốc với số lượng hoạt chất, mặt hàng cũng tăng với gần 600 mặt hàng và 14 công ty tham gia. Những công ty không chỉ tập trung ở TPHCM mà còn ở các tỉnh, miễn sao đáp ứng điều kiện về chất lượng của thuốc. Hệ thống phân phối 3.169 nhà thuốc cũng tăng cường giới thiệu các mặt hàng đến người dân.

Một điểm bán thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

* Số doanh nghiệp tham gia sản xuất thuốc trong nước ngày càng nhiều có phải là điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện chủ trương “người Việt dùng thuốc Việt”  ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Thực ra Chương trình người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam được triển khai ở nhiều mặt. Với bình ổn thuốc, chúng tôi thấy là thiết thực nhất vì người dân cần thì ra nhà thuốc, như vậy chúng ta phải chuẩn bị sẵn lượng hàng. Ở đây có sự đảm bảo về chất lượng và giá cả ổn định, dù thị trường có biến động đi chăng nữa. Thuốc Việt có lợi thế về hệ thống chất lượng GMP bảo đảm, kiểm nghiệm được siết chặt và giá cả phù hợp với túi tiền. Chúng tôi nhấn mạnh mong nếu muốn người dân tin tưởng thuốc Việt thì luôn luôn phải khẳng định bằng chất lượng và muốn người dân tiếp cận phải có chương trình này bên cạnh các chương trình khác.

* Thực tế cho thấy thuốc bình ổn giá chỉ có người tiêu dùng thông thường và bệnh nhân ngoại trú được hưởng. Đối với điều trị nội trú, chi phí tốn kém, chúng ta có giải pháp gì để thuốc bình ổn vào bệnh viện được bảo hiểm chi trả, thưa bà ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Đối tượng của chương trình này là các nhà thuốc ở bệnh viện, ở địa bàn dân cư - là những người dân tự bỏ tiền túi, điều trị ngoại trú - tuy nhiên còn 1 đối tượng như vừa đề cập, đó là bệnh nhân nội trú. Chúng ta đang có mục tiêu là làm sao tăng cường phủ rộng bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nội trú và thuốc sử dụng chủ yếu được chi trả bởi BHYT… Ở đây cũng còn nhiều vấn đề và chúng tôi cũng cần cố gắng để làm sao bảo đảm được chất lượng thuốc và giá cả hợp lý nhất.

Thời gian qua, ngay như đấu thầu thuốc chúng ta còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, phải giải quyết, đặc biệt từ cơ chế - chính sách nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho thuốc chất lượng, giá cả hợp lý đến với người dân, đặc biệt được chi trả qua hệ thống BHYT. Trường hợp giá thành thuốc quá rẻ thì đặt ra vấn đề chất lượng. Nhưng cũng không thể lợi dụng thuốc là mặt hàng không thể thiếu, nên bắt tay nhau đẩy giá, móc túi người bệnh, móc túi BHYT.. Cho nên phải làm sao dung hòa ! Tôi nghĩ 2 điều quan trọng nhất là xây dựng thang điểm kỹ thuật đảm bảo hài hòa chất lượng và giá cả, thứ hai là lành mạnh hóa thị trường. Khi trên thị trường vẫn còn quá nhiều mặt hàng sinh sôi nảy nở không cần thiết và cạnh tranh không công bằng thì những đơn vị sản xuất đặt chất lượng lên hàng đầu rất dễ bị tổn thương.