TÓM TẮT TIỂU SỬ
Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN sinh ngày 10 tháng 12 năm 1971.
Quê quán: xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hiện cư trú tại AW 1703, the Manor, số 91 đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng Ủy viên Đảng bộ Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thạc sĩ Hành chính công, Cử nhân Luật Kinh tế, Cử nhân Ngữ văn Anh; Cao cấp Lý luận Chính trị.
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- Từ tháng 9 năm 1995 đến tháng 02 năm 2002: Bà là Chuyên viên nghiệp vụ, Phòng Công chứng số 2, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 2000;
- Từ tháng 3 năm 2002 đến tháng 8 năm 2005: Bà là Chuyên viên, Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 9 năm 2006: Bà học Thạc sĩ Hành chính Công tại Đại học Northumbria, Newcastle, Vương quốc Anh theo Chương trình đào tạo 300 Thạc sĩ-Tiến sĩ của Thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 02 năm 2009: Bà là Phó Trưởng phòng, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 3 năm 2009 đến tháng 11 năm 2010: Bà là Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 11 năm 2010 đến tháng 6 năm 2014: Bà là Phó Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi bộ; Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Từ tháng 6 năm 2014 đến nay: Bà là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng Ủy viên Đảng bộ Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà đã được tặng thưởng: Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua Thành phố, Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất trong công tác xây dựng và hoàn thiệnpháp luật, nghiên cứu và nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương làm cơ sở cho việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để đảm bảo pháp luật phù hợp với thực tiễn, là cơ chế hữu hiệu, khả thi thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo thuận lợi cho đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
2. Liên hệ chặt chẽ và thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết, trả lời kịp thời các phản ánh, kiến nghị, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
3. Thực hiện tốt, hiệu quả công tác giám sát thông qua việc đi sâu, đi sát vào thực tiễn và tham gia tích cực vào các phiên chất vấn tại Quốc hội để chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý điều hành, tuân thủ và thực thi pháp luật. Qua đó, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có giải pháp giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn tại, gây nhiều bức xúc trong nhân dân liên quan đến tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, an ninh trật tự đô thị…
4. Với chức trách công tác hiện nay, chủ động và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ; thực hiện cải cách tư pháp để góp phần vào việc phát huy dân chủ, giảm oan sai trong hình sự, dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện hiệu quả các chương trình tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
5. Để xứng đáng và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bản thân tôi sẽ không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội./.